NĂM THỨ NHẤT THƯƠNG MẠI ...
(mến tặng các Anh Chị khóa 18 và
các bạn khóa 19)
1974, bước vào năm thứ nhất khoa Thương mại cái gì cũng lạ lẫm và bỡ ngỡ. Tôi mới thoát ra từ ngôi trường trung học bé nhỏ ở ngã tư Bảy Hiền, ngôi trường chỉ có hai lớp đệ nhất, một lớp ban A và một lớp ban B. Không còn điểm danh, không còn bị bắt buộc mặc đồng phục áo dài trắng, không còn các thầy giám thị với ánh mắt khó đăm đăm...
Trường mới sao mà rộng lớn và đông học sinh quá. À mà không, bây giờ phải gọi họ (cả tôi nữa) là sinh viên. Trường có nhiều khoa, nào là khoa Điện, khoa Hóa, khoa Công chánh, khoa Hàng hải, khoa Cơ khí, khoa Nữ công gia chánh và khoa của tôi : khoa Thương mại. Trường lại phân ra làm hai : trường Đại học Kỹ thuật Phú thọ và trường Đại học Chuyên nghiệp trung cấp, thì khoa Thương mại thuộc trường sau này. Tôi được biết rằng từ khóa 1 đến khóa 17 thì còn thuộc trường Quốc gia Thương mại. Đến khóa 18 , vào năm 1973, thì trường Quốc gia Thương mại (QGTM) được chuyển đổi thành khoa Thương mại mà tôi đang theo học đây. Cũng có thể gọi khóa 18 là Khóa 1 thuộc khoa Thương mại, Đại học Chuyên nghiệp trung cấp. Trường Quốc gia Thương mại do thầy Nguyễn Trọng Chiết và thầy Phan Hữu Tạt luân phiên làm hiệu trưởng. Khi trường QGTM được chuyển đổi thành khoa Thương mại thuộc Đại học Chuyên nghiệp trung cấp vào năm 1973 thì thầy Phan Hữu Tạt làm Khoa trưởng của khoa.
Ngày đầu vào học, tôi gặp ngay Hoàng Oanh, bạn học lớp 11B, mừng quá, chạy lại ngồi bên cạnh. Lại thêm Hậu, mà Oanh quen từ trước, thế là kết làm bộ ba. À mà sao trong lớp toàn các cô “bộ ba”: Hạnh-Thu-Dung, Thục-Nam-Hoa, Trinh-Báu-Vân, .... Bàn ghế ở đây cũng khác dưới trung học : bàn ghế rời cho từng người chứ không phải bàn dài và ghế dài cho 3, 4 người. Bài học thì phải tự ghi theo lời giảng của các Thầy Cô chứ không được đọc cho chép. Sách giáo khoa thì ít, phần lớn là các xấp cours in ronéo mà sinh viên đóng tiền để được phát.
Khóa 19 có đến 2/3 là nữ, chia làm hai lớp : lớp A thì học sinh ngữ Anh, lớp B thì theo Pháp văn, mỗi lớp có khoảng 60 sinh viên. Lớp tôi có 3 dãy bàn thì nữ chiếm 2 dãy, còn nam có 1 dãy. Nhưng khóa 18 thì chỉ có 1 lớp, số nam lại nhiều hơn nữ. Khóa 19 chiếm hai phòng học, khóa 18 thì một phòng học, tất cả đều học ở lầu 1. Lúc tôi vào học thì khóa 17 chưa ra trường, các anh chị khóa này học ở trên lầu 2. Có một số giờ, như giờ của thầy Hậu thì chúng tôi học ở Giảng đường, gộp chung hai lớp A và B. Ngày đó, bước vào Giảng đường sao thấy rộng mênh mông, và mình thì bé nhỏ chút xíu.
Các môn học cũng thật xa lạ.
Tôi được học môn Kế toán đại
cương do thầy khoa trưởng
Phan Hữu Tạt dậy. Môn Kế toán thực hành do thầy Hạnh dậy.
Môn Văn thư thương mại
(Bussiness letters) do cô Loan,
môn đánh máy của thầy Lang,
môn Toán tài chánh của
thầy Hậu, môn Kinh tế học,
môn Tốc ký, môn Luật thương
mại, môn Luật hàng không...
Tôi kính nể các Thầy Cô ở đây quá vì một lý do thật trẻ con : họ toàn đến trường bằng xe ô tô tự lái hoặc có tài xế lái, họ ăn mặc thật sang trọng, tác phong thật oai nghiêm. Nói vậy thôi chứ tôi thật sự nể nhiều Thầy Cô : cô Loan học ở Anh về, cô dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tôi chỉ dám len lén nhìn cô : vẻ đẹp quý phái và giọng Ăng Lê tuyệt vời khiến tôi ngây thơ nghĩ rằng cô có pha dòng máu của dân xứ sở sương mù . Thầy Lang biểu diễn đánh máy bằng mười đầu ngón tay khiến bọn tôi hoa cả mắt; về nhà tôi vẽ các ký tự của bàn máy chữ lên tờ giấy vì nhà không có bàn máy chữ và ráng tập, nhưng mãi mà không bỏ được thói quen “mổ cò” bằng có hai đầu ngón tay. Thầy Hậu dạy cho chúng tôi cách tính nhanh các phép tính cộng, trừ, nhân, chia vì lúc đó đâu đã có máy tính. Lạ một điều là cho đến tận bây giờ, tôi vẫn vô tình áp dụng các điều đã học từ thầy Hậu; trên một cột các số được cộng, thì phải chọn cộng trước các cặp số mà tổng là 10... hoặc chọn các số giống nhau rồi lấy tích... Nhờ vậy mà tôi tính tiền tính bạc rất mau đến độ các bà bán hàng phải lác mắt.
Môn kế toán của thầy Hạnh giúp tôi đến tận bây giờ. Hai cột thu – chi phải cân đối theo dạng đối chiếu biểu. Thói quen lập Sổ thu – chi không thể bỏ được, dù chỉ là những chi tiêu vặt vãnh trong gia đình. Qua 20 năm sau này, tôi vẫn còn giữ được 20 quyển sổ thu- chi của gia đình mặc cho bị chê cười là lẩm cẩm !
Nhưng người làm tôi lo lắng
nhất chính là thầy Khoa trưởng
Phan Hữu Tạt. Thầy không truy
bài, Thầy không bắt học nhiều,
nhưng Thầy hay chỉ định từng người bắt hát, tôi lo Thầy bắt tôi
hát. Thầy có dáng người bệ vệ,
tóc hơi hói, đeo kính trắng, có
giọng nói và tiếng cười rất vang.
Thầy kê ghế ngồi giữa phòng và
gật gù nghe từng người chúng
tôi hát; hát hay, hát dở gì thì Thầy cũng rất thích thú. Đặc biệt là khi bạn Ngọc Châu ca cải lương thì Thầy say sưa nghe, thỉnh thoảng lại mỉm cười; bạn hát xong Thầy bắt hát nữa, hát nữa... Ngoài Thầy thì còn có tôi cũng mê giọng ca của Ngọc Châu lắm, mê đến độ tôi năn nỉ bạn dạy ca cải lương, dù bạn cố dạy nhưng cũng phải chào thua vì giọng Bắc của tôi mà hát cải lương thì chắc chắn là thất bại. Thầy hay trêu chúng tôi : bạn Tuyết Hoa thì Thầy kêu là Tuyết Bông, bạn Hoàng Oanh thì Thầy kêu là ca sĩ Hoàng Oanh...
Tất cả chúng tôi đều mến thầy Dần dậy môn Thể dục, tuy không thích môn này lắm. Thầy vui vẻ, dạy rất tận tâm làm chúng tôi bớt sợ các cái xà ngang, cái dây leo, các cái hố cát. Sợ nhất là phải leo dây, cái dây thừng to bằng cổ tay, treo tít trên cao nhìn lên mỏi cả mắt, thế mà phải leo tận lên trên đó ! Nữ thì được leo dây có bám hai tay và hai bàn chân vào dây, còn nam thì không được bám chân mà chỉ được dùng hai tay để hít lên. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ bạn Bành Thạnh leo dây : bạn hơi nặng cân, cái dây cứ xoay tròn và bạn cố bám giữ sợi dây để khỏi rớt xuống chứ không mong gì hít lên được; vẻ mặt của bạn, tôi vẫn nhớ mãi, cả đám bạn tinh quái cười ầm ầm. Thầy Dần thường tổ chức cho chúng tôi đi picnic, chơi các trò chơi tập thể, múa các điệu dân vũ rất dễ thương.
Khóa 19 thì rất gắn bó với khóa 18. Có lẽ vì học ở các phòng cạnh nhau, gặp nhau hàng ngày. Ngoài ra, các Anh Chị khóa 18 luôn xem các đàn em khóa 19 như những người em thân thiết. Các Anh Chị cho chúng tôi mượn bài vở, kéo chúng tôi vào sinh hoạt chung : văn nghệ, thuyết trình, báo chí, thể thao, trò chơi ngoài trời... Văn nghệ thì có các anh : Chí Hùng, Minh Khải, Hữu Bình, Hữu Dũng... Báo chí và thuyết trình thì có các anh : Lê Anh Dũng, Khang Thụy, Tiến Đạt... Thể thao thì có các anh: Minh Trí, Hồng Hải ... Anh Vũ Thế Hiệp thì hay kêu chúng tôi ra sân quây vòng tròn để chơi các trò chơi tập thể, anh vốn là một hướng đạo sinh nên anh tổ chức sinh hoạt ngoài trời rất hay; các sinh hoạt này làm chúng tôi phấn khởi và gần gũi nhau hơn. Ngoài ra, khóa 18 còn có các giọng ca chuyên nghiệp như : chị Lâm Thanh Hương, chị Đặng Thị Yến...
Nói chung, khóa 18 các anh
chị thật đa tài. Còn khóa 19
chúng tôi thì mới chập chững
bước vào trường và chưa có gì nổi bật lắm. Và ông Trời
đã se duyên cho khá nhiều cặp
của hai khóa 18 và 19 : cặp
Khải-Vân, cặp Hiệp-Ngọc, cặp
Kiệt-Thọ. Những cặp này
sống với nhau rất hạnh phúc
đến tận bây giờ. Vậy thì chúng
ta phải cám ơn ngôi trường
Quốc gia Thương mại các bạn
nhỉ ?
Nhưng ngày vui qua mau. Thời sinh viên đẹp đẽ của khóa 19 chúng tôi thật ngắn ngủi ! Tôi nhập học tháng 9/1974, đến tháng 12/1974 (trước Tết) thì bắt đầu thi Học kỳ đầu tiên, sau Tết đi học lại vào tháng 01/1975 và chờ kết quả thi học kỳ 1. Các biến cố chiến tranh dồn dập, mọi chuyện xảy ra nhanh quá. Đám sinh viên chúng tôi chạy theo các Thầy mà hỏi : Thầy ơi, rồi chúng con có được tiếp tục học nữa không?...
Sau 30/4/1975, khoa Thương mại, khoa Nữ công gia chánh và khoa Hàng Hải tách ra khỏi trường. Các Anh Chị khóa 17, 18 được đi học "bồi dưỡng chuyên môn" một thời gian ngắn rồi ra trường, người thì ngành Ngoại thương người thì ngành Kế toán. Còn chúng tôi - khóa 19 - thì nhà trường chuyển qua học các khoa khác trong trường : Hóa, Công chánh, Cơ khí.
Thời sinh viên khoa Thương mại của khóa 19 ngắn ngủi quá, chỉ tồn tại có đúng từ tháng 9/1974 đến 30/4/1975. Và tôi mãi mãi là sinh viên năm thứ nhất, khoa Thương mại !
--
Sài Gòn, tháng 10/2010.
Thôn Nữ (K19)
1 nhận xét:
Wow, tham thoat 38 nam...'Thon Nu' van con nho nhung chi tiet, nhung ky niem dep thoi 'hoc sinh' (so voi cac anh chi 'sinh vien' qua 'mature' cua khoa 18)...va nhat la 'ca tinh' cua quy Thay, Co. Cam on Thon. Bai viet rat hay.
Đăng nhận xét