Chào mừng các bạn đến với - Góc Thương Mại - do các cựu thành viên trường Quốc Gia Thương Mại tại Việt Nam thực hiện

21 tháng 7, 2012

nhà văn Tiểu Tử - Tiểu sử & Chúc mừng sinh nhật

Các bạn thân mến,
Nhân phổ biến bài viết về ông Petrus Ký hôm qua, tui có hỏi ai trong chúng ta là cựu học trò trường trung học nổi tiếng Saigon này. Nay mới nhớ đại ca VH Nam từng dạy học ở đó, chứ không thuộc hàng "thứ ba" về mặt tinh nghịch phá phách! Tiện dịp, mời quý bạn xem lại tiểu sử sơ lược của anh (vào Shell trước tui 4 năm cho đến ngày sập tiệm) và danh sách các truyện ngắn thú vị mà tui bắt đầu lần lượt chuyển hầu ACE từ 3 năm nay, bắt đầu với #43 "Xíu" ngày 04/12/2010.


Cũng xin chúc mừng (trễ) sinh nhật 19/7: ước mong đại ca sống tròn 100 - hẳn dư sức qua cầu vì có chị bên cạnh, hằng ngày chuẩn bị cho anh những món ăn rặt Nam bộ khó quên. Tám hai chưa phải là già đâu anh Nam ạ! 
Đàn em, Thọ - Tân Định. 


Tiểu sử nhà văn Tiểu Tử :
(Post on 12/07/2012 by Mỹ Đức)

Nhà văn Tiểu Tử, tên thật là Võ Hoài Nam. Ông là con trai duy nhứt của giáo sư Võ Thành Cứ, cựu giáo sư trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Ông sanh ngày 19 tháng 7 năm 1930 tại quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Ông tốt nghiệp kỹ sư tại Marseille, Pháp quốc năm 1955. Ông về Việt Nam, dạy tại trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký niên khóa 1955-1956. Tháng 10 năm 1956, ông vào làm việc tại hãng xăng Shell Việt Nam cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1979, ông vượt biên và định cư tại Pháp. Sau đó, ông nhận làm việc cho công ty Đường Mía của nhà nước tại Côte d’Ivoire, Phi Châu, từ 1979 đến 1982. Ông qua làm hãng xăng Shell Côte d’Ivoire cho đến khi về hưu (1982-1991). Hiện ông đang nghỉ hưu tại Paris, Pháp quốc. 

Trước 1975, ông phụ trách mục biếm văn “Trò đời” trên nhựt báo Tiến, với bút hiệu Tiểu Tử. Bút hiệu nầy ông vẫn dùng cho những bài tạp văn và truyện ngắn của ông tại hải ngoại, sau 1975. 

Ông đã xuất bản tập truyện ngắn “Những mảnh vụn” năm 2004 và “Bài ca vọng cổ” năm 2006. 

Ngoài “Bài ca vọng cổ” ông đặt tựa cho tập truyện ngắn, còn các truyện ngắn khác mà ông rất tâm đắc, như “Nội”, “Thằng chó đẻ của má”. Thật vậy, đọc truyện ngắn “Nội”, “Thằng chó đẻ của má”, độc giả có cảm giác như lãng đãng hình bóng của bà mẹ quê của mình trong đó. Nó gần gủi và thân thương. Độc giả có cảm tưởng như tác giả nói giùm hoàn cảnh thương tâm của chính gia đình mình: Mẹ già gần tám mươi tuổi, mà cam tâm chịu đựng nỗi đau cắt ruột để khuyên con, cháu mình vượt biên. Tiểu Tử tâm sự: 

“Và tôi thật xúc động với hình ảnh bà mẹ già phải đẩy đứa con duy nhứt đi vượt biên để vui mà sống với ít nhiều hy vọng! Thật là ngược đời: có người mẹ nào lại muốn xa con? Chỉ có ở chế độ xã hội chủ nghĩa mới xảy ra những chuyện “đổi đời” như vậy!” 

Sau khi định cư ở xứ người, Tiểu Tử trông ngóng về người mẹ già ở tại quê nhà hiu quạnh, luôn nhớ mong con và cháu ở phương xa: 

    “Tôi biết: Má tôi là cây cau già – quá già, quá cỗi – nhưng vẫn cố bám lấy đất, chỉ vì trên thân cây còn mấy dây trầu… Hình ảnh đó bỗng làm tôi ứa nước mắt. Thương má tôi và nhớ cả quê hương. Cái quê hương tuyệt đẹp của tôi, mà Việt Cộng đã cướp mất. Cái quê hương mà trên đó tôi không còn quyền sống như ý mình muốn, phát biểu những gì mình nghĩ, ca tụng những gì mình thích. Ở đó, ở quê hương tôi, tôi còn bà mẹ già, bà mẹ tám mươi đã cắt ruột đuổi con đi, bỏ quê hương mà đi, để bà còn chút gì hy vọng sống thêm vài ba năm nữa! Bây giờ, vợ con tôi cũng đã đi hết. Má tôi còn lại một mình. Thân cây cau giờ đã nhẵn dây trầu, thêm tuổi đời một nắng hai mưa. Tôi biết! Má ơi! Con biết: Cây cau già bây giờ đang nhớ thắt thẻo mấy dây trầu non…” 

Tiểu Tử có văn phong đặc biệt “miền Nam”. Ông sử dụng một bút pháp rất tài tình, ngắn gọn, nhưng cô đọng, ý xúc tích mà gợi hình. Từ ngữ ông dùng rất gần gủi với nguời miền Nam, một thứ từ ngữ đi thẳng vào lòng người, đem đến cho người đọc cảm xúc trọn vẹn và mãnh liệt, nhưng thân quen…. 
………. 

Truyện của Tiểu Tử càng đọc càng thích thú, say mê, dìu độc giả về những kỷ niệm thân yêu của một thời trên quê hương Tây Ninh yêu dấu. Ông Vương Văn Ký, người cùng sanh trưởng tại quận Gò Dầu với Tiểu Tử, đã viết tặng ông câu đối, như sau: 

“Cố quốc đậm đà tình Tiểu Tử, 
Trời tây thắm thía điệu Hoài Nam” 

………. 

Danh sách những truyện ngắn và phiếm luận của nhà văn Tiểu Tử: Bài ca vọng cổ, Cái loa, Cái mặt (Phiếm luận), Cái miệng (Phiếm luận), Chuyện bình thường (Phiếm luận), Chị Tư Ù, Chợ trời, Chuyện chẳng có gì hết, Chuyện di tản 1975, Chuyện giả tưởng, Cơm nguội, Con mẹ hàng xóm, Con Mén, Con rạch nhỏ quê mình, Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, Đạp Xích-lô, Đèn trung thu, Đi xe đò, đi xe ôm, Giọt mưa trên tóc, Làm thinh, Made in Việtnam, Mài dao, Mài kéo, Mũ Bảo-hiểm, Mùa thu cuộc tình, Ngụy, Người viết mướn, Những hình ảnh đẹp, Người bán liêm sỉ Nội, Ông già ngồi bươi đống rác, Ông Năm Từ, Tấm vạc giường, Thầy Năm Chén, Thằng chó đẻ của má, Thằng dân (Phiếm luận), Thằng đi mất biệt, Thèm Tiết Nhơn Quý, Tô cháo huyết, Tôi đi bầu, Tôi nằm gác tay lên trán, Viết một chuyện tình, Xíu.

** Xin mời các Anh Chị đọc một truyện ngắn rất cảm động của nhà văn Tiểu Tử đã được tác giả đồng ý cho đăng trên Góc Thương Mại tại đây.

--
Tháng 07-2012
Lê Quang Thọ (K2)

Không có nhận xét nào: