"Vĩnh Long cảnh lịch, người xinh
Ruộng vườn tươi tốt, dân tình hiền lương"
Riêng với chúng tôi, "người xinh" nhất phải là bạn Lê Thị Hường K16 đã năm lần bảy lượt mời chúng tôi về Vĩnh Long viếng thăm bạn ấy và những "cảnh lịch người xinh" khác...
Mời quý bạn vào link YouTube nghe "tâm tư của Hường và các đồng môn VL" qua bài hát vui "Mùa Xuân Mời Bạn Về Thăm Vĩnh Long Quê Tôi" (pps Hồ Tĩnh Tâm) với những cảnh hoa Xuân (năm Tân Mão 2011). http://www.youtube.com/watch?v=CTZG2KjPdk0
Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh
Quyện lòng du khách gợi tình nước non.
Tam Bình giáp với Trà Vinh
Sống về ruộng rẫy, dân tình hiền lương
Ngày xưa giặc Pháp nhiễu nhương
Tình nhà đem đổi tình thương giống nòi.
Dòng xanh lơ lửng con đò
Bao giờ trỗi được câu hò nước non
Trăng vàng khi khuyết khi tròn
Bao giờ nô lệ hết còn trên vai
Tuốt gươm thiêng, bỏ chiếc cày
Chặt xiềng lệ thuộc, xây đài vinh quang.
Vĩnh Long tiền ruộng bạc sông
Mái chèo khoan nhặt bóng hồng thướt tha
Nụ cười chào khách gần xa
Hẹn ngày trỗi hát bài ca thanh bình.
"Phái đoàn" chúng tôi gồm 12 ACE Saigon:
Phan Xuân Thành K1
Lê Quang Thọ K2
Lê Trung Thu K3
Lâm Thị Mỹ K4
Nguyễn Hữu Trí K14
Phan Thị Ngọc Ánh K17
Nguyễn Chí Hùng K18
Lê Hoàng Thục K19 & con gái
Trần Thị Thôn K19
Trần Xuân Mỹ K19
Vũ Tuyết Mai K19
(Giờ chót vắng mặt bạn Nguyễn Trung Ân K3 bệnh đột xuất và em Trần Hữu Bình K18 bận công tác).
Khởi hành bằng xe thuê từ Saigon lúc 6g30 sáng, ghé Trung Lương dùng điểm tâm khoảng 8g tại quán Hai Hùm, chúng tôi đi theo hướng cầu Mỹ Thuận đến nơi lúc 10g. Trên đường không biết Chí Hùng "hoạt náo" kiểu gì mà các bạn nữ thường xuyên phá lên cười muốn tung cả mui xe!
Ra đón chúng tôi có gia chủ Lê thị Hường (K16) và các đồng môn Vĩnh Long gồm:
* các chị: Nguyễn thị Nết (K16)
Lưu thị Thu Vân (K16)
Nguyễn thị Ngọc Anh (K16)
* các anh: Trương Như Nguyện (K16)
Dương Bá Thọ (K4)
và bạn Lâm thị Ngọc Dung (K19) từ Trà Vinh qua.
Trong lúc ngồi hàn huyên chuyện cũ, bạn LT Thu có nhắc đến bạn Dương Bá Thọ K4 cũng ở VL , thế là kết hợp phone mời bạn ấy đến. Quả là một dịp may kết nối vòng tay lớn: tuy ở cùng tỉnh mà mấy mươi năm qua ACE chẳng hề biết có đồng môn bên cạnh!
Trong bữa cơm trưa rất thịnh soạn tươm tất do gia đình bạn Hường khoản đãi giữa những tiếng reo hò "một hai ba DZÔ…" (chỉ chút bia và nước ngọt thôi nhé!), chúng tôi có dịp tâm sự chuyện đời từ ‘75 đến nay, mới biết có người tương đối sống ổn, có người từ bỏ “bút nghiên” theo nghề ruộng rẫy sau một thời gian bị kỳ thị đủ điều. Chính vì thế, có bạn dù được mời cũng không thể đến dự bởi không thể gác lại công việc hằng ngày…
Bên bàn tiệc ở nhà chị Lê thị Hường |
Bên bàn tiệc ở nhà chị Lê thị Hường |
Dàn đầu bếp Vĩnh Long cùng các phụ bếp từ Sài Gòn xuống |
Các đồng môn Sài Gòn tặng quà lưu niệm cho các đồng môn Vĩnh Long
|
Đến khoảng 12g30, từ giã bác gái (mẹ Hường) đang bó bột cánh tay gãy trong một tai nạn khoảng thời gian họp mặt QGTM Saigon ngày 11/2 vừa qua, chúng tôi lên thuyền do các bạn VL thuê sẵn qua cù lao Đồng Phú (xem chi tiết bên dưới) thăm bạn Nết và ông xã Long (trong khi tài xế phải lái xe theo đường bộ và qua phà). Một chuyến du ngoạn lý thú trên sông ngang qua các điểm du lịch sinh thái đang thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài…
Phái đoàn trên đò qua nhà chị Nết ở cù lao Đồng Phú |
Nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên thuộc nhánh sông Mêkông, diện tích rộng khoảng 60 km2, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú thuộc huyện Long Hồ - tỉnh Vĩnh Long, về phương diện du lịch phía Bắc giáp chợ nổi Cái Bè - tỉnh Tiền Giang, phía Đông nam giáp làng trái cây huyện Chợ Lách - tỉnh Bến Tre, phía Tây hướng về cầu Mỹ Thuận, phía Nam đối diện với thành phố Vĩnh Long.
Nhà của đôi uyên ương Long-Nết nằm cạnh bờ sông rất thơ mộng. Nơi đây chúng tôi lại được gia chủ ân cần tiếp đón với những món "ăn chơi", đặc biệt 4, 5 thứ rượu thuốc đặc sản mà may thay bạn Trí nhà ta có đủ "bản lãnh" ngồi "chén thù chén tạc" với anh Long trong khi chúng tôi dùng món chè đậu đỏ, rau câu, trái cây,...
Nhà em nền đất, cột cau.
Tuy nghèo tiền bạc nhưng giàu tình thương.
|
Bưởi Bình Minh |
Chị Nết đãi các đồng môn bằng “cây nhà lá vườn” |
Hình chụp trước hiên nhà chị Nết & anh Long |
Khoảng 15g30, chúng tôi xin phép từ giã 2 bạn Long-Nết và các bạn VL khác (cùng đi theo) lên xe về Saigon trong nỗi niềm luyến tiếc và... "chưa đã" vì vẫn còn nhiều nơi chưa thăm viếng hết:
"Vĩnh Long giàu bưởi Bình Minh
Cam quít Tam Bình, đồng lúa Vũng Liêm
Bà Phong, Bà Phận, Ông Cớ, Ông Nam
Dưới sông cá bạc, tôm vàng
Ruộng đồng lúa trúng, nhiều bạn hàng tới lui".
"Rạch Cái Cam, vườn cam sai quả
Rạch Cái Cá, cá lội thành đàn
Lòng tôi tha thiết yêu nàng
Như vườn cam ngọt, như đàn cá bơi".
"Sông Mang Thít có dòng nước xoáy
Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung
Người đi mang nỗi nhớ nhung
Sông này vẫn giữ thủy chung với người".
Sau đó lại nhờ thổ công Chí Hùng hướng dẫn, chúng tôi mò mẫm theo hướng Bến Tre ghé thăm chị Thu Hương (K2) lần nữa (lần trước ngày 25/2/12), qua cầu Rạch Miễu và về đến Saigon lúc 19g.
Hình chụp trước thềm nhà chị Thu Hương |
Đôi bạn Lâm Thị Mỹ và Dương Bá Thọ (K4) |
Có một chi tiết thú vị trong chuyến đi : đôi bạn Lâm thị Mỹ & Dương Bá Thọ (K4) gặp lại nhau thật bất ngờ tại nhà chị Hường.
Có thể nói chuyến đi rất thành công đặc biệt nhờ lòng hiếu khách "truyền thống" của các bạn Vĩnh Long, một dịp để duy trì và củng cố tình hữu nghị QGTM trong những ngày còn lại, bởi các bạn trẻ nhất cũng đã U60 rồi! Ước mong sẽ tổ chức được nhiều chuyến đi vui vẻ khác như vậy trong tương lai, Trà Vinh chẳng hạn! Rất tiếc lần này không thể mở rộng hơn nữa số người tham dự do có những ràng buộc và giới hạn ngoài ý muốn, xin thông cảm!
Để kết thúc, xin mời các bạn vào link dưới đây nghe Bích Phượng hát bài "Vĩnh Long Một Khúc Tình Ca" với giọng ca rặt Nam Bộ.
Vĩnh Long, ngày 14/4/2012
Bài viết: Lê Quang Thọ (K2)
Hình ảnh: Trần thị Thôn (K19)
--
Lịch sử Vĩnh Long
(tư liệu)
Long Hồ Dinh - một thời hoàng kim
Cây da cửa Hữu - di tích lưu dấu về một thời hoàng kim của Long Hồ Dinh xưa...
Trong lịch sử phát triển đầy biến động của vùng đất phương Nam, Vĩnh Long đã có một thời vang bóng. Gần 300 năm trước, Vĩnh Long đã đảm nhận vai trò lịch sử khi làm trung tâm cai quản và khai phá một vùng châu thổ Mê-kông rộng lớn. Đây là vùng đất được triều Nguyễn lập ra tiếp sau vùng đất phía Nam của phủ Gia Định vào năm Nhâm Tý 1732, với tên gọi Long Hồ Dinh, thuộc châu Định Viễn.
Buổi đầu, sở lỵ dinh Long Hồ đặt tại thôn An Bình Đông (Cái Bè). Sau mấy lần dời đổi, dinh Long Hồ an vị tại xứ Tầm Bào (Thị xã Vĩnh Long ngày nay). Đây được xem là vị trí có “hình thắng yếu địa”, vừa nằm giữa đồng bằng, vừa án ngữ các đường giao thông thủy - bộ quan trọng.
Thời ấy, Long Hồ Dinh cai quản cả một vùng đất đai rộng lớn. Những bước chân đi mở đất đã in dấu từ những cánh đồng nơi cò bay thẳng cánh đến những vạt rừng thâm u chạy dài từ Đông sang Tây, đến dải Thất Sơn kỳ bí trấn giữ miền biên viễn Tây Nam. Nếu tính theo các đơn vị hành chính hiệu hữu, thì đất Long Hồ Dinh xưa kia bao trùm cả ĐBSCL : từ Bến Tre, qua Trà Vinh, sang Sa Đéc, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau đến tận Hà Tiên (Kiên Giang).
Sự khai mở và phát triển của nền văn minh lúa nước thời ấy đã hội tụ nơi dinh Long Hồ đủ 3 yếu tố cho sự hưng thịnh, đó là thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đất Long Hồ được xem là nơi ẩn vị của rồng. Trịnh Hoài Đức đã mô tả đất địa linh này trong “Gia Định thành thông chí” rằng :
“Thế nước ôm quanh cồn nọ, dựa theo bến kia, chảy vào ngòi này, chia ra nhánh khác… Nhiều sông hội tụ cùng nhau… nước ngọt dầm thấm ruộng vườn, khi làm lúa thì bừa ruộng vãi giống, mà khi thâu hoạch thì bội đến phần trăm. Trong vườn thì có nhiều cau, trầu, dưa quả, mương ngòi thì đầy cả cá, lươn… Dân gian trước vườn sau ruộng, đều có sản nghiệp, làm ăn quanh năm quả là một nơi phú túc.”
Thời ấy, Long Hồ Dinh là trung tâm phát triển nên anh hùng hào kiệt bốn phương đã hội tụ về giữa đất chín rồng để hiệp sức gầy dựng nghiệp lớn. Nhiều vị có công lớn ở vùng đất này được nhân dân ca tụng là : Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công đầu mở mang bờ cõi Phương Nam, Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Cư Trinh... Vị có công lớn khai phá và phát triển vùng đất phương Nam nữa là Thống chế Thoại Ngọc Hầu với công trình lưu danh hậu thế “Kênh Vĩnh Tế”. Ông đã đốc thúc dân binh đào kinh dẫn nước ngọt ở cương thổ Tây Nam. Kênh Vĩnh Tế không chỉ là kế sách lâu bền cho an cư lạc nghiệp, mà còn là rào dậu hiểm địa trong việc phòng bị, trị an.
Miếu Tống Quốc Công xưa
Vị quan cai quản đầu tiên dinh Long Hồ là Quốc công Tống Phước Hiệp. Ông vừa là vị tướng cầm quân xông pha trận mạc, vừa hoạch định kế sách an dân và khuyến khích giao thương buôn bán. Xưa kia, trên phần đất cạnh dòng sông Long Hồ (đoạn từ Ủy ban Nhân dân Thị xã Vĩnh Long đến dốc cầu Thiềng Đức ngày nay) có thời là chợ Trường Xuân, dân họp chợ đông đúc, mua bán khá nhộn nhịp. Trải qua chặng đường một trăm năm, từ Long Hồ dinh (1732) đến Hoằng Trấn dinh, Vĩnh Trấn rồi đến trấn Vĩnh Thanh (1832), người dân vùng đất này đã cộng lực mưu sinh, chinh phục thiên nhiên, biến miền đất hoang vu, sình lầy, rừng rậm… thành nơi sản xuất lúa gạo và hoa trái dồi dào nhất nước. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức ghi đã ghi lại :
“Ruộng cày trâu ở Phiên An, Biên Hòa, một hộc lúa giống, thâu hoạch được 100 hộc. Duy ở trấn Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long sau này) toàn là ruộng bùn sâu, không dùng trâu cày được, phải đợi lúc Hạ - Thu giao, có nước mưa đầy dẫy, cắt cỏ lùng lác, cào cỏ đắp làm bờ, rồi chỏi đất cấy mạ lúa xuống. Ruộng đất mầu mỡ, nên một hộc lúa giống thâu hoạch được 300 hộc. Ở trấn Định Tường có ruộng ngập nước, công lợi cũng không bằng ruộng Vĩnh Thanh… ”
Năm Minh Mạng thứ mười ba (1832), triều đình nhà Nguyễn cho đổi các trấn thành tỉnh. Toàn bộ vùng đất phía Nam này được chia thành Nam Kỳ lục tỉnh. Vĩnh Thanh trấn được đổi tên thành tỉnh Vĩnh Long. Bước chân mở đất đi suốt 100 năm, kể từ khi dựng Dinh Long Hồ đến lập tỉnh Vĩnh Long, thì vùng đất này vẫn là trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội hưng thịnh bậc nhất của đất phương Nam. Bấy giờ, Vĩnh Long là tỉnh có nhiều đồn điền và dân sinh sống lập nghiệp nhiều nhất, chiếm 64% Nam Kỳ lục tỉnh. Không chỉ có vị thế quan trọng ở đất liền, vào năm 1840, đảo Côn Lôn còn thuộc quyền cai quản của Vĩnh Long. Lúc bấy giờ, triều đình cho mộ dân đưa thuyền ra hải đảo, chinh phục thiên nhiên, khai thác những sản vật quý hiếm và giữ gìn lãnh thổ của đất nước ở biển Đông.
Gần 300 năm trước, sau khi thành lập Dinh Long Hồ (năm 1732), có một khu chợ cũng đã hình thành ở vàm sông Long Hồ (thuộc khu vực Bến Đá, Phường 5, Thị xã Vĩnh Long ngày nay). Trên cơ sở sản xuất nông nghiệp phát triển, giao thương hàng hóa được mở mang, chợ Long Hồ đã có một thời thịnh vượng. Trịnh Hoài Đức đã mô tả trong sách “Gia Định thành thông chí” rằng : “Phố xá liền lạc, hàng hoá đủ cả trăm món, dài đến năm dặm, ghe thuyền đậu sát bến, các nơi đình quán, đàn ca náo nhiệt… ”. Theo "Đại Nam nhất thống chí" : “Vào giữa thế kỷ XIX, Vĩnh Long có 19 chợ, trong tổng số 93 chợ lớn nhỏ của Nam Kỳ lục tỉnh. Chợ lớn nhất của Vĩnh Long lúc bấy giờ là chợ Long Hồ”.
Công thần miếu tại Vĩnh Long
Từ đây, sản vật của đất phương Nam, nhất là lúa gạo và cây trái miệt vườn, vào thời cực thịnh đã được xuất ra ngoại quốc. Trong một biên bản hứa danh dự mà thương nhân người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn ký kết với thương nhân người Âu vào ngày 12.9.1874 có viết rằng : “Hai loại gạo ngon sẽ được bán cho thương nhân người Âu là gạo Gò Công hay gạo tròn và gạo Vĩnh Long hay gạo dài, đúng theo hạt gạo làm mẫu… ”.
Có thời, người dân xứ này còn gọi chợ Long Hồ là chợ “Vãng” vì kỵ húy vua Vĩnh Thụy (Bảo Đại). Sau khi thực dân Pháp chiếm thành Vĩnh Long, chợ Long Hồ dời qua Phường 1, Thị xã Vĩnh Long như ngày nay. Chợ Long Hồ xưa không còn, phần lớn đất đai, phố xá đã trôi xuống dòng Cổ Chiên do nước xói lở…
Đất Long Hồ Dinh xưa còn được mệnh danh là nơi đất học, đất có nhân tài. Tính từ khi có chế độ thi cử ở vùng đất phương Nam, duới triều Nguyễn, trong tổng số 260 người thi đỗ cử nhân, Vĩnh Long có đến 56 vị. Năm 1826, sau khi thi đỗ cử nhân, Phan Thanh Giản ra kinh đô Phú Xuân ứng thí và đỗ tiến sĩ. Ông là vị tiến sĩ đầu tiên của đất phương Nam.
Trong những năm tháng đất nước bị chìm đắm giữa đêm trường loạn lạc vì mưu đồ đen tối của người Tây Dương, Kinh lược đại thần Phan Thanh Giản, Đốc học Nguyễn Thông và các sĩ phu yêu nước đã thắp sáng lên vùng đất này một tinh thần hiếu học bất diệt. Năm 1866, Văn Thánh Miếu đã được dựng lên tại làng Long Hồ (nay thuộc Phường 4, Thị xã Vĩnh Long). Đây không chỉ là nơi thờ tự Đức Khổng Tử (ông tổ của đạo Nho), mà còn là điểm hội tụ của các bậc sĩ phu yêu nước, các vị nho sinh hiếu học. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của thời cuộc, với nhiều lần trùng tu, tôn tạo… Văn Thánh Miếu vẫn giữ được nét tôn nghiêm, tao nhã thuở ban sơ. Giữa hai hàng sao đứng thẳng hàng trầm mặc, bia đá trăm năm vẫn khắc sâu nét bút người xưa : “Sự cai trị thì chỉ thấy ở lúc bấy giờ, mà sự dạy dỗ thì lưu truyền đến muôn đời. Phải có sự dạy dỗ thì sự cai trị mới có chỗ thi thố được… ”. Văn Xương Các là nơi cất sách thánh hiền và thờ Văn Xương Đế quân (Vị tinh quân cai quản việc thi cử, học hành). Tầng dưới Văn Xương Các khi xưa là nơi thi nhân đàm đạo, nay là nơi thờ tự cụ Phan Thanh Giản, các vị tiền hiền đã có công vun đắp và làm rạng danh vùng đất học Vĩnh Long.
Cầu Lộ là một trong những cây cầu chính yếu dẫn vào trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Long. Xưa, cầu xây bằng gỗ, có tên gọi khá hay là cầu Lộc. Dốc cầu Lộc thuở Long Hồ Dinh không lượn cong như bây giờ. Nó là một đường thẳng, bắc ngang qua rạch Ngư Câu (Cái Cá), gần cây da cửa Hữu. Cây da cửa Hữu là di tích duy nhất còn lưu dấu trên đất thành Vĩnh Long xưa. Thời hoàng kim, Long Hồ Dinh không chỉ hưng thịnh về mặt kinh tế, vinh hiển về lĩnh vực văn hóa, mà còn vang danh với một hoàng thành rộng lớn, với một thành lũy hùng trấn đất phương Nam.
Cách nay gần 200 năm, vào ngày 22 tháng 2 năm Quý Dậu (1813), niên hiệu Gia Long thứ 12, trấn thủ Lưu Phước Tường chỉ huy xây dựng thành lũy và công thự tại lỵ sở Trấn Vĩnh Thanh, trên phần đất ấp Bình An và ấp Trường Xuân, thôn Long Hồ (nay là Phường 1, Thị xã Vĩnh Long). Thành Vĩnh Long xưa (tương tự như thành Mỹ Tho, Biên Hòa) đều xây dựng theo kiểu Vauban - kiểu kiến trúc thành lũy Tây Âu, thế kỷ XVII, XVIII. Thành Vĩnh Long xưa, xây lưng hướng Kiền (hướng Tây - Bắc), mặt nhìn về hướng Tốn (hướng Đông - Nam). Bốn mặt thành, chỗ giữa thủng vào, ngoài có khúc thành bao vòng cửa thành, cong ra như đầu ngọc khuê, bốn góc thành có sừng nhọn như hình kim qui. Trong thành, có 2 con đường dọc, 3 con đường ngang… Thành Vĩnh Long xưa có 4 cửa : Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Cửa Tả nhìn ra sông Long Hồ, cửa Hữu nhìn qua rạch Ngư Câu (nay là rạch Cái Cá), cửa Tiền mặt trước hào thành có đào đường cừ rộng và sâu (nay là rạch Cầu Lầu), cửa Hậu nhìn ra sông Cổ Chiên...
Thời ấy, khi xây thành Vĩnh Long, các cửa ngõ có quan lộ dẫn vào thành đều được thiết lập các điểm canh gác nghiêm mật. Phía Đông thành có cầu Lầu bắc ngang qua quan lộ chạy dọc theo sông Long Hồ. Cầu có vọng gác dựng lên ở giữa, bốn phía có lỗ châu mai, hai bên gác có cầu thang cho lính trèo lên canh phòng. Xưa kia, bên kia cầu Lầu có xóm Lò Rèn chuyên làm đồ binh khí cho quân lính đóng trong trường thành. Thành Vĩnh Long xưa giờ đã biến mất trên nền đô thị mới. Giữa phố xá ồn ào, chỉ duy nhất sót lại bóng dáng cây da cửa Hữu. Nó độc chiếm một không gian trầm lắng, vươn cành lá che mặt trời và bám rễ sâu vào thành cổ. Cây da cửa Hữu là di tích còn lưu dấu một thời hoàng kim của đất Long Hồ Dinh…
Những kỳ tích mà người Long Hồ Dinh đã thiết lập quả là vô giá. Nó đã hun đúc nên hào khí đất phương Nam, đã làm rạnh danh nòi giống rồng tiên. Nó sẽ âm vang suốt chiều dài lịch sử như bản trường ca mở đất. Nó là hành trang quý báu để các thế hệ người Vĩnh Long tự hào và vững tin bước tiếp những chặng đường mới.
Lê Thạch
--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét