anh Tôn Thất Quyền (K11) |
Hôm Họp mặt Đồng môn QGTM 2012, sau khi hát một loạt liên khúc 5, 6 bài, anh Tôn Thất Quyền (K11) ngâm bài thơ : Chi lạ rứa ! Mới nghe mấy câu đầu, bao nhiêu cảm xúc của thời học lớp 11 lại tràn dâng trong lòng T., khi lần đầu (năm 1973) được nghe cô giáo dạy văn ngâm bài này với giọng Huế “chay”. Bài thơ của tác giả Nguyễn thị Hoàng viết năm 1970 (cùng năm với tác phẩm Vòng tay học trò).
Anh Quyền với giọng Huế đầy tình cảm, ngâm từ đầu đến cuối bài liền một mạch. Chắc ít có ai biết, T. đã ngẩn ngơ nghe anh ngâm từng chữ một vì bài thơ T. có thuộc lõm bõm một chút.
Một hôm, T. lại đánh liều gọi phone xin anh Quyền viết lại cho bài thơ Chi lạ rứa ! May mắn thay, anh viết và gửi cho T. ngay sau đó. Thật hết sức cám ơn anh Quyền vì tấm lòng đối với “đàn em”, mà lại là “đàn em” hay quấy nhiễu các ông Anh, bà Chị như T. Nay T. xin gửi bài thơ để mọi người cùng thưởng thức.
CHI LẠ RỨA !
Chi lạ rứa! Chiều ni tui muốn khóc
Ngó chi tui: đồ cỏ mọn hoa hèn
Nhìn chi tui: hình đom đóm ban đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch.
Tui ước ao có bao giờ tuyệt đích
Tui van xin, răng mà cứ làm ngơ
Rồi ngó tui chi lạ rứa hững hờ
Ghét, yêu mến, vô duyên và trơ trẽn.
Tui đã tắt nỗi ngại ngùng và bẻn lẻn
Nhưng làm răng ai biết được người hè
Răng mà chiều đã rủ bóng lê thê
Ni với Nớ khi mô mà gần gủi.
Chi lạ rứa! Răng cứ làm tui tủi ?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau
Cảm tình câm nên không sắc không màu
Và vạn thuở chẳng nên lòng luyến ái.
Chi lạ rứa! Người làm tui ái ngại,
Biêt sông sâu hay cạn giữa tình đời
Bên ni bờ lòng trắng vẫn chơi vơi
Mà bên nớ trầm ngâm mô đáng kể.
Tui không muốn khóc chi nhưng giọt lệ
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình
Bên ni bờ lòng trắng hết tươi xinh
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.
Muốn xuống thuyền mặc sóng cuồng đưa đẩy
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều
Đau chi mô, có lẽ hận cô liêu
Mà chi lạ rứa hè, ai hiểu nỗi!
Tui không van xin cũng không hề bối rối
Ngó làm chi cho tủi nhục đau thương
Tôi biết tôi là hoa dại bên đường
Không màu sắc chi lạ rứa hè, người hỉ ?
Tôi cũng muốn có một người tri kỷ,
Nhưng đường đời chi đó, biết mần răng.
Tôi muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng
Chờ tôi với, a, cười chi lạ rứa !
Tôi không buồn sao mắt mờ, lệ ứa
Bởi lòng ai tui có hiểu chi mô
Mà lòng tui là mắt nước sông hồ
Chi lạ rứa! Bên ni bờ tui khóc.
NGUYỄN THỊ HOÀNG (1970 )
----
Vài dòng về tác giả Nguyễn Thị Hoàng
Tác giả Nguyễn thị Hoàng sinh năm 1938, từng được mệnh danh là Francoise Sagan của Việt Nam kể từ khi Chị cho ra đời tác phẩm Vòng tay học trò (1970). Bỏ qua khía cạnh đạo đức của câu chuyện thì, theo T., tác phẩm được viết với một văn phong rất hay, với một bố cục sắp xếp rất đặc biệt, những gì dung tục đi chăng nữa thì đều được tác giả đan xen vào các bối cảnh vô vùng mơ mộng và biến nó thành những mộng – thực mãnh liệt lẫn nhẹ nhàng. Tác giả viết không nhiều, như các tác phẩm : Trên thiên đường ký ức (1967), Về trong sương mù (1970), Bây giờ và mãi mãi (1974)…., một số truyện ngắn và thơ đăng trên tạp chí Văn, Bách khoa…Theo T.,chị Hoàng viết rất chắc tay, tác phẩm nào cũng là một sự “hoàn chỉnh” khó mà “chê” được (dù người đọc có thích hay không thích). T. đã chọn một truyện của Chị để thuyết trình vào năm lớp 12, như một sự cảm phục về một nhà văn nữ đương thời. Một nhà văn nữ mà ngoài các tác phẩm của Chị, do một số duyên may vô tình, T. được quen biết nhiều “người thực , “việc thực “ trong cuộc đời tình cảm đầy sóng gió của Chị.
Bài thơ Chi lạ rứa! được viết từ những cảm xúc tràn ngập đến độ thăng hoa thành một tác phẩm làm người đọc phải ngẩn ngơ. Sau này, hầu như T. không còn gặp được các tác phẩm văn thơ dạng “thăng hoa” như thế ở đất Sài Gòn này . Giờ thì các bài thơ , khi đọc, chỉ đem lại cho mình cảm giác rằng đó là các bài thơ quá ít cảm xúc, các bài thơ “được nhấn nút” sản xuất ra hàng loạt ! …Thời đại quá là materials để làm thơ hay sao ?
May là Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng đến năm 1998, khi qua đời, còn để lại một số di cảo thơ cho kẻ hậu sinh đọc lai rai.
Các Anh Chị, các bạn có thể vào Google tìm nghe ca sĩ Hồng Vân ngâm bài thơ Chi lạ rứa!
Một vài thiển ý, mong các Anh Chị, các bạn đừng cười chê.
----
Sài Gòn, đầu tháng 4/2012
Trần thị Thôn (K19)
2 nhận xét:
Bài thơ "Chi Lạ Rứa" này hay quá!
Cũng như Xuân Diệu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương,... ngày xưa, tác giả Nguyễn Thị Hoàng đã dùng thơ để diễn tả nỗi lòng đặc biệt với những từ ngữ Huế.
Rất tiếc trong bầu không khí vui tươi, náo nhiệt hôm ấy, người nghe khó mà nắm bắt được hết ý nghĩa mặc dầu bạn Quyền đã ngâm cách rất chuyên nghiệp.
Thanks, em Thôn.
Thọ K2.
Em T.T.Th.
Hôm họp mặt, nghe anh T.T.Quyền ngâm bài thơ "Chi lạ rứa", anh cứ nghĩ mấy ai hôm đó biết và hiểu được bài thơ rất Huế của nhà văn Nguyễn thị Hoàng. Bây giờ thì mới biết có em, em đã nhiều cảm xúc khi nghe lại bài thơ đó! Mấy dòng cảm nghĩ rất hay, rất xúc tích của em về nhà văn, nhà thơ Huế Nguyễn thị Hoàng làm anh cứ nghĩ em là một cô giáo dạy văn, hay hơn thế nữa là một nhà phê bình văn học hơn là một giảng viên dạy ở đại học bách khoa Phú Thọ. Cảm ơn em. Anh Dương.
Đăng nhận xét