Chào mừng các bạn đến với - Góc Thương Mại - do các cựu thành viên trường Quốc Gia Thương Mại tại Việt Nam thực hiện

12 tháng 10, 2013

một ngày ở xã đảo Long Sơn với nhóm BCC

Theo gợi ý của anh Phan Xuân Thành (K1) trong 01 lần ăn sáng của nhóm BCC, các anh chị đồng môn QGTM thống nhất tổ chức một chuyến dã ngoại và địa điểm chọn lần này là xã đảo Long Sơn. Ban tổ chức cấp tốc được thành lập gồm các anh Lê Quang Thọ (K2), chị Nguyễn Thị Tuyết Loan (K13), anh Nguyễn Chí Hùng (K18) và chị Trần Xuân Mỹ (K19).

Ngày 24-09-2013 mọi người khởi hành lúc 06h tại công viên Lê Văn Tám gồm 18 thành viên với 02 xe 16 chỗ, đặc biệt trong chuyến đi lần này có 02 chị lần đầu tham gia với các đồng môn QGTM là chị Điệp, phu nhân anh Mai Thanh Tòng (K5) và chị Ngọc, phu nhân anh Trần Khang Thụy (K18).



07h sáng, mọi người dừng chân ở quán bún bò Huế Ngọc Dung khá nổi tiếng ở số 506 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, Quận 9 dùng điểm tâm.




Đảo hàu, vương quốc hàu hay vựa hải sản của Bà Rịa-Vũng Tàu… đó là những biệt danh của xã đảo Long Sơn (TP.Vũng Tàu).

Trước đây, đảo Long Sơn cách biệt hoàn toàn với đất liền. Để đến với đảo, phải đi đò từ Tân Thành hoặc từ bến Nam Bình (TP.Vũng Tàu) sang. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng các cây cầu nối liền xã đảo với quốc lộ 51, giao thông tiện hơn. từ Sàigòn du khách chỉ cần chạy khoảng 80km đến ngã ba Long Sơn quẹo phải khoảng 10 phút là vào đảo Long Sơn. Còn từ TP.Vũng Tàu, theo hướng Gò Găng chưa đầy 30 phút qua hai cây cầu Gò Găng và Chà Và là đã đặt chân đến Long Sơn.

09h xe rẽ vào ngã ba Long Sơn, chạy một đoạn và ngừng tại trại nuôi hào Hai Thái để mọi người tham quan công nghệ nuôi hào và tìm hiểu kỹ thuật cắt vỏ hàu.



Sau khi ở đây 30 phút, mọi người lên đường đi thăm khu nhà Lớn Long Sơn.

Đến Long Sơn, có thể ghé khu nhà Lớn nổi tiếng để tìm hiểu về đạo Ông Trần mà hầu hết người dân ở đây đi theo. Ông Trần là người có công khai phá mảnh đất này đầu tiên. Khu nhà Lớn là một quần thể kiến trúc bằng gỗ, bao gồm lầu Phật, lầu Dài, lầu Thánh, nhà Cấm… Khu nhà này còn lại những người Nam Bộ xưa với áo bà ba đen, tóc búi sau ót. Khách cũng có thể ở lại nhà Lớn nhiều ngày để nghỉ ngơi và tham quan.




10h30 mọi người tiếp tục lên đường khám phá núi Nứa khá hùng vỹ ở khu sinh thái Du Sơn. Từ resort Du Sơn, chúng tôi thấy được 3 đỉnh núi: đỉnh Bà Trao cao 138m, đỉnh Hố Rồng cao 120m và đỉnh Hố Vông cao 120m. Dưới các chân núi là những khu rừng sác, đặc trưng của vùng đất ngập mặn. Có cả một hồ nước lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời, trông chẳng khác gì một tấm gương thật to. Phóng tầm mắt xa khỏi những mảng cây xanh bát ngát, chúng tôi thấy thành phố Vũng Tàu nép mình bên biển rộng mênh mông





11h mọi người ra kéo nhau ra bè cá của anh Năm Thắng để dùng cơm trưa.

Ở Long Sơn có thú vui đặc trưng: “nhậu” trên bè. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề thả bè nuôi hào, tôm, cá trên sông Dinh. Một vài người dùng bè của mình làm điểm đón khách du lịch. Khách cứ đến bến ghe, nói đi ra bè nào thì có ghe chở đi ngay. Đi chừng mươi phút. Một dãy nhà cây, trên lợp lá dừa nước, dưới là những thùng phuy dập dềnh trên sông. Vách không dựng kín, nên gió cứ thoải mái thốc vào, mát rượi. Bên trong, bàn thấp kiểu Nhật chật kín người. Hành lang ngoài, võng giăng toòng teng cũng không còn chỗ trống.

Thực đơn ở đây khá phong phú với đặc sản Hàu ( nướng mỡ hành, phô mai , Mexico), canh chua cá Bốp và đặc biệt nhất là món chiêu đãi của chủ bè là cá thòi lòi biển kho tiêu rất xuất sắc.











15h mọi người tạm biệt xã đảo Long Sơn, ghé trở lại trại nuôi hào Hai Thái mua hải sản làm quà và về lại Sài gòn. Chuyến đi Long Sơn đã để lại trong lòng mọi người rất ấn tượng, lạ, hải sản và đặc sản hàu rất ngon, phong cảnh hữu tình, thời tiết thuận lợi, không khí rất vui và ấm áp tình bạn.

Xin chào tạm biệt Long Sơn !


Hàu nướng mở hành


Hàu nướng phô mai

-- 
Tháng 10-2013
Bài vở : Xuân Mỹ (K19)
Hình ảnh : Mai Thanh Tòng (K5)