Glenside, PA 4th of July, 2006
Bạn Thiện:
Liên-tục nhiều năm, các bạn cựu Sinh-Viên Thương-Mại đều tổ-chức các buổi họp mặt như là môt dịp để thắt chặt mối liên-lạc giữa các bạn đồng-môn tại địa-phương và các tỉnh lân-cận bên California. Đặc biệt năm nay, tiếp theo truyền-thống tốt đẹp sẵn có, các bạn trong Ban Tổ-Chức lại có sáng-kiến mở rộng buổi hop mặt và nâng lên cấp Đại-Hội Toàn Cầu để các bạn cựu SV Thương-Mại khắp năm châu vừa có dịp gặp lại các thầy cũ, bạn cũ, vừa có cơ-hội đi du-lịch, thăm-viếng miền đất hứa “thung-lũng hoa vàng”. Đây là một thiện-chí đầy nhiệt-tình của anh-chị-em trong Ban Tổ-Chức Đại-Hội rất đáng được trân-trọng.
Cám ơn bạn đã liên-tục thông-tin cho tôi về buổi họp mặt lớn này sẽ được tổ-chức tại San José trong hai ngày Thứ Bẩy 29 và Chủ Nhật 30 tháng 07 sắp đến. Tôi đã ghi tên tham-dự. Thế là sau ¼ thế kỷ từ ngày định-cư tại Hoa-Kỳ, chỉ trong vòng vài tuần nữa tôi sẽ lại được tay bắt mặt mừng với các bạn đồng khóa, quý Thầy-Cô cùng các đồng môn. Mong rằng các bạn của chúng mình sẽ tham-dự thật đông
Nhớ đến các bạn, là lại nhớ đến những ngày còn cùng nhau học-hỏi, sinh-hoạt tai ngôi trường tọa-lạc tại số 2 Phạm Đăng Hưng (trong Khuôn-viên Nha Kỹ-Thuật và Học-Vụ) Sài-Gòn, nhất là những buổi họp mặt tất- niên, làm báo Xuân, tổ-chức văn-nghệ ở rạp Thống-Nhất, ở hội–trường Trường Quốc Gia Âm-Nhạc hay cuộc cứu-trợ nan-nhân bão-lụt miền Trung... Tôi bất chợt có một ước ao thoáng qua trong đầu là giá mà có được cái huy-hịệu của Trường TM trong buổii hop mặt sắp đến thì hay biết mấy vì đây là một kỷ-niệm tinh-thần có ý-nghĩa và đáng ghi nhớ nhất mà anh-chị-em Sinh-Viên TM Khóa 7 (Niên-Khóa 1962-1965) để lại cho Trường, ngoài tặng vật một bàn ping-pong khi Trường dời lên Phú-Thọ và sau này đươc cải danh và nâng cấp thành Trường Đai-Hoc Bách-Khoa Trung-Cấp: Khoa Thương-Mại. Tôi rất ngac-nhiên khi thấy Thiện còn giữ được kỷ-vật này, như những sinh-viên Mỹ ở đây còn hãnh-diện đeo trên tay chiếc nhẫn truyền-thống của ngôi trường họ đã theo học hay tốt-nghiệp. Tôi lại càng thấy thú-vị hơn khi được tin Ban Tổ-Chức đã chọn huy-hiệu này làm lô-gô in trên áo cho các tham-dự viên đai-hội nữa.
Trong “i-meo” mới đây bạn có hỏi tôi một vài chi-tiết liên-hệ đến mẫu huy-hiệu này. Tôi nhớ đến đâu, kể đến đó nhé.
Trường QGTM được thành-lập từ năm 1956. Trong 7 niên-khóa đã có một niên-trưởng - tôi không nhớ tên hoặc thuộc niên-khóa nào - sáng-tác được môt bản nhạc QGTM Hành-Khúc, nhưng trong suốt thời-gian từ 1956 đến 1964 cũng chưa có ai nghĩ đến việc thực-hiện huy-hiệu chính-thức cho Trường cả. Mãi đến năm 1965, là năm thứ 3, tức là năm tốt-nghiệp của Khóa 7, anh-chị-em trong Ban Đại-Diện lớp nhận thấy các trường, các đoàn-thể khác đều có huy-hiệu cả và nghĩ rằng Trường TM cũng phải có một huy-hiệu cho riêng mình. Nhưng vấn-đề là phải chọn hình ảnh nào có ý nghĩa cho ngành Thương-Mại mới được. Nói tổng-quát, về Canh-nông thì người ta thường chọn hình ảnh người nông–dân ôm bó lúa, với hậu cảnh là con trâu và máy cầy; về Điện-lực có hình-ảnh cột điện với đường dây cao-thế; ngành Công/Kỹ-Nghệ thường thấy hình-ành người công-nhân đội mũ an-toàn, đứng trước nhà máy có những cột ống khói cao nghệu, hay là nghững bánh xe răng lớn, nhỏ; ngành Y-tế phòng dịch có thể lấy hình-ảnh nam nữ y-tá với ống chích và cây thập tự đỏ v.v... và v.v....Riêng ngành Thương-mại người ta thường tổng-hợp 3 phương-tiện chuyên-chở đường bộ (Xe vận-tải, xe lửa), đường thủy (tầu thủy đậu ở bến cảng) và đường hàng không (máy bay) làm hình ảnh tượng trưng cho ngành này. Đưa cả 3 phương-tiện này vào huy-hiệu thì thấy ôm-đồm quá và cũng không có gì đặc-biệt lắm. Ban Đai-Diện đã họp toàn lớp để xin ý-kiến. Có bạn đã góp ý: hay là ta chọn ông Thần Thương-Mại?
Thế rồi ông thần Hermès (trong thần-thoại Hy-Lạp) xuất hiện như vị sứ-giả của nhà Trời với đôi cánh trên mũ và đôi dép-quai (sandal) mang dưới chân cũng có cánh, một tay cầm thần trượng tượng-trưng cho uy-quyền mà Thượng-Đế đã ban cho. Đó là một khúc cây có 2 con rắn xoắn xung quanh, trên đầu cây gậy thần cũng mang đôi cánh nữa (Hình ảnh Thần TM có in trong sách Kế-Toán của Pháp cũng như trong một bài sưu-tầm về Thần Hermès trong Đặc-San Xuân QGTM 1965 ). Ban Đai-Diện lớp đã chọn biểu-tượng đơn-giản này để dùng cho huy-hiệu của Trường. Có điều hình ảnh khúc cây có 2 con rắn cuốn mình xoắn vào nhau xung quanh khúc cây trông tương-tự như là hình-ảnh trong huy-hiệu của y-sĩ như nhiều người thắc-mắc nhưng với tài-liệu về ông thần TM được trưng ra đã đánh tan dấu hỏi này. Vấn đề kế tiếp là ai có khả năng để vẽ mẫu huy-hiệu. Bạn Huỳnh Khanh có phác họa qua, nhưng không đạt tiêu-chuẩn. Trong Khóa 7, có một sinh-viên có khiếu về mỹ-thuật là bạn Lê Thị Thu-Nguyệt nên được Ban Đại-Diện giao-phó trọng-trách này. Với nhiều mẫu mã huy-hiệu từ hình tròn, hình vuông, hình quả trám, cho đến hình tam giác đã được tham khảo, sau cùng, hinh trái soan (oval) đã được bạn Nguyệt chọn. Nhưng Thu-Nguyệt chưa được hài lòng lắm với bản mẫu vẽ ban đầu nên đã biến thể hình dạng chân-phương của hình ô-van đi một chút khiến huy-hiệu có dạng thật độc-đáo (đặc-biệt không giống ai !!!?), và lạ mắt. Trong “tác-phẩm” này bạn Thu-Nguyệt còn có thêm sáng-kiến vẽ thêm cuốn sách mở rộng tượng trưng cho giáo-dục (= học-hỏi, trau-dồi kiến-thức) ở phía dưới cây gậy thần và một ngôi Bắc-đẩu trong bầu trời xanh thẳm ở phía trên. Ngôi sao Mai mang ý nghĩa ánh sáng dẫn đường (công-dụng như kim chỉ Nam) để dẫn-dắt sinh-viên TM tri-hành đúng con đường lý-tưởng mình đã chọn. Lúc làm huy-hiệu, bản vẽ đươc thu nhỏ lại, khiến cho ngôi sao chỉ còn là một chấm sáng bé xíu. Nếu không được giải-thích thì không ai biết là trong huy-hiệu có ngôi sao này (hay coi ngôi sao như đã... lặn mất rồi!!!).
Bản vẽ mẫu huy-hiệu đã được trình lên Ban Giám-Đốc Trường và được ông Hiệu-Trưởng chính-thức ký duyệt thuận và cho phép thực-hiện. Huy-hiệu đươc làm bằng đồng mạ kền, có nền xanh dương đậm. Một “plaque” với huy-hiệu mới cũa Trường cũng được Ban Đai-Diện thực-hiện để ở Văn-Phòng Hiệu-Trưởng và một số ít huy-hiệu đặc-biệt mạ vàng (dĩ nhiên đây là “vàng mỹ-ký” !) được làm thêm để ông Hiệu-Trưởng tặng cho khách quý khi tới thăm viếng Trường làm kỷ-niệm.
nguồn: Thương mại - multiply.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét