Chào mừng các bạn đến với - Góc Thương Mại - do các cựu thành viên trường Quốc Gia Thương Mại tại Việt Nam thực hiện

30 tháng 11, 2012

sinh hoạt câu lạc bộ âm nhạc tháng 11-2012




Các đồng môn QGTM thân mến
Như đã giới thiệu - Câu lạc bộ Âm nhạc (CLBAN) QGTM được thành lập từ tháng 6/2012 từ ý tưởng ban đầu của anh Hữu Bình (K18), cùng với sự đóng góp đầy nhiệt tình của anh Chí Hùng (K18), Thôn Nữ (K19); từng bước một, CLB đã thu hút sự tham gia đông đảo của các đồng môn QGTM. 


Những ngày đầu thành lập, CLBAN đã gặp nhiều khó khăn như giờ giấc, thời gian, nhân sự tham gia, kể cả thời tiết…vì “tháng Sáu.. trời mưa, trời mưa không dứt…”. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt tình, kiên trì của những anh em gắn bó với CLBAN, đến nay CLBAN đã dần dần ổn định và số người tham gia ngày càng tăng. 


Hiện nay số lượng người tham dự thường kỳ đã vượt quá sức chứa căn phòng khách bé nhỏ của nhà bạn Thôn Nữ nên từ tháng 10/2012, các buổi sinh hoạt định kỳ CLBAN được chuyển đến Nhà hàng Đất Phương Nam. Buổi sinh hoạt tháng 10 vừa qua của CLB cũng đã được tổ chức tại Nhà hàng này, khách mời là anh Hồ văn Dương K10 (từ Huế vào lo việc gia đình). 


Tối thứ Ba 27/11/2012 là buổi sinh hoạt tháng 11-2012 của CLBAN, đã diễn ra tại quán Đất Phương Nam quen thuộc số 46 đường Huỳnh Tịnh Của Q3 - Tân Định, với sự tham dự của 36 đồng môn.  Và khách mời đặc biệt kỳ này là anh chị Đỗ Kim Thiện K7 (Ban tổ chức Đại Hội QGTM hải ngoại “Biển Xanh Tao Ngộ “ vừa diễn ra tại Santa Ana tháng 06 năm 2012) ở Cali về thăm VN và sửa soạn trở lại USA. 

Âm nhạc quả thực là một cầu nối hữu hiệu kết nối những đồng môn QGTM lại gần với nhau đằng sau những lo toan, kiếm sống thường nhật. 


19g, hai MC Chí Hùng và Thôn Nữ mở đầu đêm sinh hoạt CLBAN bằng một bài diễn văn ngắn gọn cảm ơn và giới thiệu sự tham dự của tất cả các đồng môn QGTM cùng khách mời. 
MC Chí Hùng một lần nữa giới thiệu với mọi người về địa điểm mới của CLBAN sắp được hoàn thành. 
MC Thôn cũng trình bày về các sinh hoạt dự kiến của CLBAN: CLBAN sẽ là một không gian mở và miễn phí, các đồng môn QGTM trong và ngoài nước có thể ghé đến đây bất cứ lúc nào như thể là ghé đến Văn phòng Khoa Thương Mại trường QGTM ngày xưa - để ăn sáng, uống cà phê, trò chuyện, tập đàn, tập hát, trao đổi với nhau kinh nghiệm sử dụng computer… 


Buổi sinh hoạt đêm nay thật phong phú với các tiết mục: có hát, có ngâm thơ, có kể chuyện vui. Mọi người đã ngất ngây với Nửa hồn thương đau (anh Đoàn Văn Du K8), Riêng một góc trời (anh Lê Hùng Dương K7), Đâu phải bởi mùa thu (chị Ngọc Ánh K17)…nghe những tâm tình với Để gió cuốn đi (chị Xuân Mỹ K19)…và vui tươi rộn rã với Sầu Đông (anh Nhân K15), Sơn Nữ Ca (chị Minh Hạnh K19)…. 


Anh Hoàng Trọng Tĩnh (K14) đã giới thiệu về nhà thơ Nguyên Sa tức giáo sư dạy Triết Trần Bích Lan rất nổi tiếng tại Saigon trước đây và phân tích bài thơ Tương tư của ông trước khi anh cho mọi người nghe từng lời thơ nhỏ giọt xuống lòng người qua giọng ngâm truyền cảm của anh. 


Chị Hòa Phạm (K18) và anh Chí Hùng (K18) một lần nữa lại đem đến cho tất cả mọi người những tràng cười thoải mái qua các câu chuyện hài. 


Đặc biệt kỳ sinh hoạt này Ban tổ chức đã dành hẳn một khoản thời gian dài cho tiết mục dancing. Khán phòng như sôi động khi giai điệu bài Granada cất lên với tiếng kèn trumpet sang sảng của điệu Pasodoble khai mạc, những bước chân quyến luyến trong tiếng saxophone nức nở bài The shadow of smile và cuồng nhiệt với điệu Chacha của dàn nhạc Latin với bài Besame Mucho, rồi ánh đèn mờ dần đi trong giai điệu Slow bất hủ Love Story của Francis Lai và bừng sáng trở lại với tiếng đàn piano điêu luyện của Paul Mariat trong tác phẩm Toccata - điệu Bebop. Mọi người đã chiêm ngưỡng những pha biểu diễn của anh Đỗ Kim Thiện (K7), vũ sư Võ Tấn Đạt (khách mời) và sự trở lại của professional dancer Minh Hạnh (K19) vắng bóng từ lần họp mặt 2010 tại Văn Thánh. Thật tuyệt vời ! Thấp thoáng phía dưới cũng có những bóng người nhún nhẩy như thầm hẹn: để kỳ sau, khi đã tập dợt cho thật tự tin đã


21g30 chương trình tạm khép lại với lời chúc và món quà nhỏ trao cho anh Đỗ Kim Thiện trước khi anh lên đường về USA. Anh Thiện cũng đôi lời bày tỏ tình cảm nhân dịp đến tham dự CLBAN. Chúc anh chị Đỗ Kim Thiện nhiều sức khỏe và lên đường may mắn! 


Một số các ACE vì đường xa, vì sức khỏe lục tục kéo nhau ra về…Nhưng mà, chưa! Chưa phải là tất cả, vẫn còn những đồng môn quyến luyến chưa vội về, ngồi nán lại để kéo thêm câu chuyện, để tiếp tục cảm xúc cùng âm nhạc. Và Anh Lê Đức Mậu bằng giọng ca truyền cảm đã nói lên niềm mơ ước qua bài hát nổi tiếng của Trường Sa Xin Còn Gọi Tên Nhau và vũ sư Võ Tiến Đạt – một thành viên trung thành của CLBAN – cũng kịp hẹn hò với mọi người hãy đến chung vui Giáng Sinh với CLBAN qua bài hát Bài Thánh Ca Buồn của Nguyên Vũ. 


Đã 22g30 - Anh Du bắt giọng cùng mọi người hát bài Ngày tạm biệt để tin rằng đã đến lúc phải chia tay thôi. 

“ Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau. 
Trong tiếng ca, tiếng đàn ngập trời cao…
...Thôi chia tay cạn ly vui chút đi…” 

Hẹn gặp lại các Anh Chị, các bạn đồng môn QGTM trong buổi sinh hoạt CLB Âm nhạc kỳ tới, tháng 12/2012 và xin kết thúc bài này bằng lời tâm tình của anh Lê Đức Mậu (K19): 

Mình là Lê Đức Mậu, khóa 19, khóa em út QGTM. Chiều tối hôm qua, 27/11/2012, mình có tham dự buổi sinh hoạt CLB Văn Nghệ tháng 11 do các AC đồng môn QGTM tổ chức tại nhà hàng Đất Phương Nam, quận 3. Dù rất mê xem đá banh, nhất là đội tuyển VN phải đá sống mái với đội Phil. để có cửa vào bán kết, nhưng mình vẫn không xem, mà dành thời gian đó cho buổi sinh hoạt CLB của đồng môn QGTM, để được gặp mặt, để được hàn huyên, để được thăm hỏi cùng các Anh Chị. Và mình đã rất vui khi được gặp các AC các khóa trước, từ A.Thành K1, A.Thọ K2, A.Thu K3, A.Tòng K5,...và các Chị như C.Hai, C.Loan, C.Yến... và đặc biệt có AC Đỗ Kim Thiện K7 từ Mỹ về chơi cũng đến tham dự. Buổi sinh hoạt thực sự vui vẻ và sinh động, nào là cùng hát cho nhau nghe, khiêu vũ, kể chuyện vui rồi hàn huyên tâm sự vì đã lâu chưa gặp nhau (có các Anh khóa 14, 15 mình mới gặp lần đầu, có Chị từ năm 1976 giờ mới gặp lại). Nhưng mình tiếc là thời gian ngắn quá, sao thời gian lại qua mau vậy, mình và nhiều AC còn chưa muốn về nhưng thời gian không cho phép. Và thêm cái tiếc nữa đó là sự vắng mặt (có lẽ vì bận việc) của một số AC mà lần sinh hoạt tháng 10 có dự, và mình biết cũng còn nhiều AC QGTM chưa tham dự lần nào. Về mặt tổ chức thì không có gì phải phàn nàn vì các AC đã chuẩn bị khá chu đáo. Mình mong cho lần sinh hoạt sau sẽ được diện kiến thêm nhiều AC các khóa trước và các bạn cùng khóa 19. Mong cho gia đình QGTM quy tụ đông đủ hơn. Vui biết bao, quý biết bao tình thân hữu, tình đồng môn. LĐM.


---
Tháng 11-2012
Bài viết: Lê Quang Thọ - Trần Thị Thôn - Nguyễn Chí Hùng
Hình ảnh: Nguyễn Khoa Hạnh - Lê Đức Mậu


9 tháng 11, 2012

18-08-2012 đến trà vinh thăm bạn



Chuyến đi Trà Vinh của các đồng môn QGTM theo lời mời của bạn Lâm thị Ngọc Dung (K19) thật ra đã được khởi xướng từ khá lâu. Trong chuyến đi Vĩnh Long vào tháng 4/2012, bạn Ngọc Dung từ Trà Vinh đã qua tham gia cùng các đồng môn QGTM. Bạn Dung đã lên tiếng mời mọi người đến thăm xứ Trà Vinh, quê hương mới mà bạn rời Sài Gòn đến lập nghiệp sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa tp.HCM ngành Cầu đường vào năm 1978. Phải chờ sau chuyến đi Mỹ của bạn vào tháng 6/2012 thì việc tổ chức chuyến đi Trà Vinh của các đồng môn QGTM mới được chính thức bắt đầu.

Hôm nay, lúc 6h sáng ngày 18/8/2012, một ngày đẹp trời, các đồng môn QGTM phấn khởi cùng bước lên xe bắt đầu một chuyến đi hứa hẹn nhiều thú vị qua những vùng sông nước mênh mông của miền Tây để đến thăm bạn Ngọc Dung tại tỉnh Trà Vinh.

Ngày xưa, khi đến thăm bạn, ắt hẳn cụ Nguyễn Khuyến đã phải cuốc bộ rất xa. Nay thì chỉ cần bước lên xe chạy ào ào vài tiếng là đã vượt được quãng đường trên trăm cây số từ Sài Gòn đến Trà Vinh. Nhưng có lẽ nhờ cuốc bộ đường xa mà cụ Nguyễn Khuyến mới có thi hứng mà viết nên bài thơ Bạn đến chơi nhà. Hôm nay, đến Trà Vinh thăm bạn Lâm thị Ngọc Dung (K19) không chỉ có các bạn cùng khóa mà còn là cả một phái đoàn QGTM các khóa, từ khóa 1 đến khóa 19 cùng người thân, cả thảy 31 người.

Không phải là cảnh được tả trong các câu thơ hóm hỉnh của cụ Nguyễn Khuyến:

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa…
…Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta !

Mà cả là một sự chuẩn bị chu đáo, tiếp khách hết sức nồng hậu của gia đình bạn Ngọc Dung. Cháu Trúc Linh, con gái đầu của Dung, được Mẹ phân công theo đoàn từ trên Sài Gòn để hướng dẫn đoàn về tận nhà ở Trà Vinh. Số người ghi tên tham dự tăng vọt vào phút chót do có những thân hữu đến từ xa không kịp báo sớm: anh chị Nguyễn Hữu Thọ (K8) từ Virginia, USA; anh chị Hồ Kim Phụng (K18) từ Houston (USA); anh Nguyên (anh họ của Thôn Nữ) đến từ Hà Nội. Do vậy, ngoài chiếc xe 29 chỗ, Ban Tổ chức phải tăng cường thêm một xe 7 chỗ. Ngoài ra, đoàn còn có một thành viên hết sức đặc biệt: anh Phan Công Bê (K4), lẽ ra anh Bê đã phải trở về Huế để lo việc gia đình, nhưng anh nán lại để tham dự chuyến đi Trà Vinh và để kéo dài thêm những giờ phút bên các đồng môn QGTM.

Lộ trình được chọn là đi theo Quốc lộ 1A, qua các tỉnh Long An, Tiền Giang đến Ngã ba Trung Lương thì đi vào tỉnh Bến Tre theo Quốc lộ 60 để đến Trà Vinh. Với lộ trình này, đoàn sẽ chỉ phải đi 110km thay vì đi trên 200km nếu dùng lối vào Vĩnh Long để đi Trà Vinh. Đoàn dừng ở Ngã Ba Trung Lương, thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang để ăn sáng, món ăn sáng được tất cả các đồng môn QGTM chọn hẳn là món hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng của địa phương. 

Rời nhà hàng sau khi dùng điểm tâm, lúc này đúng 9h sáng, đoàn tiếp tục lên xe để vào địa phận Xứ dừa Bến Tre. Tỉnh Bến Tre đang vươn mình khởi sắc sau khi được xây dựng 2 cây cầu nổi tiếng: cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông. Riêng cầu Rạch Miễu nối liền hai tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho) và tỉnh Bến Tre, là một cây cầu dây văng thật hoành tráng, dài đến trên 8km (nếu kể cả đường dẫn). Mọi người trong đoàn nháy máy hình lia lịa để ghi lại hình ảnh cây cầu nổi tiếng này; nhất là ở giữa cầu, nhìn xuống cù lao Thới Sơn, một vùng đất đẹp như mơ với những nóc nhà ngói đỏ chìm trong màu xanh bát ngát của những vườn cây ăn trái: xoài, sê ri, chôm chôm, vú sữa… 

Chuyến đi và cả chuyến về đều hết sức vui vẻ : trên xe, MC Chí Hùng hoạt động không ngừng nghỉ, đem đến cho mọi người những tràng cười sảng khoái; anh Đoàn Du (K8) ngâm bài thơ Nhớ rừng (của Thế Lữ) với giọng trầm ấm thật hay, anh Du cũng khởi xướng để tất cả cùng hát vang bài Lên đường khi xe vừa ra khỏi Sài Gòn. Các loa phát thanh chỉ tạm ngừng nghỉ khi cả đoàn bước xuống xe để lên phà đi qua sông Cổ Chiên vào địa phận tỉnh Trà Vinh. Sông Cổ Chiên là một ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh; một cây cầu qua sông là niềm mơ ước của người dân hai tỉnh cũng sắp được xây dựng. Trong thời gian chờ đợi cầu, thì phà Cổ Chiên vẫn là phương tiện qua sông rất cần thiết. Các anh chị em QGTM tay trong tay bước lên phà, nhìn dòng nước sông Cổ Chiên mênh mông cuộn một màu nâu đỏ trong ánh nắng rực rỡ của buổi ban mai, sao mà thắm thiết tình đồng môn quá ! 

Qua phà, đến tỉnh Trà Vinh của bạn Ngọc Dung rồi đây! Xe chạy thêm khoảng 10km là đến nhà Dung . Nhà bạn, một căn nhà hai tầng xinh xắn, xung quanh có trồng nhiều loại cây ăn trái. Các chị reo ồ lên thích thú khi thấy cây cóc với những chùm trái rũ dài xuống, rồi là cây mít tố nữ với nhiều trái bám đeo dọc theo thân cây…Không khí trong lành và bình yên như mọi tỉnh nhỏ ở miền Tây. Bạn Dung và ông xã, anh Nhãn đã chuẩn bị bàn ghế trước hiên nhà và dọn sẵn các loại trái cây để khoản đãi đoàn. Uống ngụm nước dừa mát lạnh (nghe đâu là bạn Dung đã chặt sẵn đến 40 trái dừa!) , nhấm nháp những múi mít ngọt lịm, cả đoàn ai cũng thấy vui về tình cảm nồng hậu của gia đình Ngọc Dung dành cho đoàn. 

Như vậy, đoàn đã khởi hành ở Sài Gòn lúc 6h và đến nhà Dung lúc 10h; mất 3 tiếng chạy xe và 1 tiếng dừng chân ăn sáng tại Ngã Ba Trung Lương. Thời gian có hạn, đoàn phải nhanh chân lên xe cùng bạn Dung để đi tham quan các thắng cảnh của tỉnh Trà Vinh.Trên đường đi đến các điểm tham quan tại Trà Vinh như: ao Bà Om, chùa Hang, nhà máy Mỹ Lan thì bạn Ngọc Dung lại là MC để thuyết trình cho mọi người hiểu rõ về các điểm đến này. Theo chương trình ban đầu, đoàn sẽ tham quan 3 ngôi chùa tiêu biểu cho kiến trúc của cộng đồng dân cư Khmer tại Trà Vinh: chùa Cò, chùa Hang và chùa Sam-rông-ek. Nhưng do thời gian có hạn, đoàn chỉ đến thăm chùa Hang. Các ngôi chùa của dân tộc Khmer có chung đặc điểm là: khuôn viên rất rộng trên chục hécta, thường trồng hai loại cây dạng cổ thụ là cây sao và cây dầu; có nhiều đàn chim đến di trú (dơi, cò…); mái chùa có độ dốc lớn, các dầu đao uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như tượng thần Riehu, thần 4 mặt Mhabrom…Vai trò của chùa trong sóc (làng) rất quan trọng, nhà chùa đảm nhiệm phần giáo dục đạo đức và bảo tồn truyền thống văn hóa nghệ thuật. Thanh niên Khmer có vài năm tu ở chùa mới kể như thành nhân, một điều kiện để dễ kiếm vợ. Trong khuôn viên chùa có trường học cho trẻ em rất qui mô. 

Chỉ với hai điểm tham quan là ao Bà Om và chùa Hang, mà khi thăm xong thì đã đến 12h30 trưa.Bạn Ngọc Dung mời cả đoàn ghé ăn trưa tại một nhà hàng với các món ăn rất ngon mà bạn đã đặt sẵn. Một chi tiết đặc biệt được anh Lê Quang Thọ (K2) trân trọng nhắc đến trong bữa cơm trưa: hôm nay, ngày 18 tháng 8, 2012, đoàn QGTM đi Trà Vinh thăm bạn Ngọc Dung thì ngày mai đây: 19 tháng 8, ba năm trước (2009), chính là ngày mà định mệnh sắp xếp để giáo sư Phan Hữu Tạt và người thân mãi mãi ra đi trong một tai nạn giao thông. Anh Thọ rồi anh Bê, anh Du … bùi ngùi ôn lại những kỷ niệm về người Thầy quá cố. Cả đến bài hát ưa thích của Thầy, những đồng môn QGTM nào có thể quên được: bài hát Cây đàn bỏ quên được anh Chí Hùng hát cùng sự phụ họa của toàn thể các thành viên trong đoàn như một sự tưởng nhớ đến người Thầy quý mến. 

Sau bữa cơm trưa, đoàn lại lên xe thăm một nơi rất hay nữa là Cụm nhà máy Mỹ Lan. Với sự sắp xếp từ trước của hai bạn Ngọc Dung và Xuân Mỹ (K19), hôm nay tuy là thứ Bẩy, nhà máy không làm việc, nhưng Ban Giám đốc vẫn bố trí các nhân viên đón tiếp đoàn QGTM thật chu đáo. Cụm nhà máy Mỹ Lan gồm 3 nhà máy, sản xuất các vật liệu dùng cho ngành in như: mực in, bản in offset…Nhà máy có công nghệ rất hiện đại, được điều hành bởi anh Nguyễn Thanh Mỹ (Tiến sĩ, Việt kiều Canada và là bạn học cùng khóa Hóa 75 , Đại học Bách Khoa tp.HCM, với các bạn Diệu Hiền, Tuyết Mai, Thúy Phượng… (K19)). Nhà máy ở Sài Gòn thì không thiếu, nhưng ở nhà máy Mỹ Lan này thì cả đoàn phải trầm trồ thán phục về một điểm chính: sự quan tâm chăm sóc dành cho nhân viên của Nhà máy. Cả một sân khấu lớn để nhân viên vui chơi, ca hát; khu vệ sinh sạch như lau; khu canteen sang trọng như một nhà hàng lớn; cây xanh trên những hành lang rộng và những patio rải rác khắp nơi cho thấy một phong cách kiến trúc thật vị nhân sinh. 

Sau khi thăm xong Cụm nhà máy Mỹ Lan, chương trình tham quan Trà Vinh được khép lại, tuy còn nhiều nơi rất hay. Nhưng biết sao được khi thời gian hạn hẹp: chuyến đi chỉ gói gọn trong có 1 ngày! Cả đoàn quay về nhà bạn Dung nghỉ ngơi trước khi ra về. Bạn Dung quá chu đáo, bạn đã chuẩn bị sẵn từng gói bánh ít đưa tặng từng người trong đoàn, phòng trên đường về mọi người đói bụng thì có sẵn để ăn.

MC Chí Hùng đang hoạt náo trên xe làm bà con QGTM cười nghiêng ngữa. 

Phái đoàn dừng chân ăn sáng tại Ngã Ba Trung Lương. 

Trước sân nhà Ngọc Dung: 

từ trái sang
Hàng ngồi 1
Trương Minh Rân (K18), Trần Xuân Mỹ (K19), Lâm thị Ngọc Dung (K19) và phu quân, 
Nguyễn Chí Hùng (K18), bé Ngọc, Đoàn văn Du (K8) và phu nhân. 

Hàng ngồi 2
Hà Mỹ Lan (K19), Hồ Kim Phụng (K18) và phu quân, Phan Xuân Thành (K1), 
anh Nguyên (anh họ của Thôn Nữ), Phan Công Bê (K4), Lê Quang Thọ (K2), Phan thị Ngọc Ánh (K17). 

Hàng đứng
Nguyễn thị Kim Loan (K17), Trương thị Bằng (K12), Lương thị Phượng (K17), Nguyễn thị Nga (K19), Thanh Hà (bà xã của anh Lăng), Phan thị Bích Châu (K16), Lê văn Lăng (K18), Nguyễn Hồng Y (K14), Nguyễn thị Hường (K16), Nguyễn Hữu Trí (K14), Nguyễn Tuyết Loan (K13), Nguyễn thị Thu Vân (K16), Lê Hoàng Thục (K19), Nguyễn Hữu Thọ (K8) và phu nhân, 
Đặng thị Hiền (K19), Trần thị Thôn (K19), Nguyễn thị Việt Hoa (K19). 

Toàn bộ đoàn QGTM trên phà Cổ Chiên đi từ tỉnh Bến Tre qua tỉnh Trà Vinh. 

Các bạn K19 trên phà Cổ Chiên: 
Hoàng Thục và bé Ngọc, Việt Hoa, Xuân Mỹ, Hiền Đặng, Thôn. 

Bạn Xuân Mỹ, Thôn, anh Bê trên phà Cổ Chiên 

 Tại nhà Dung, cả đoàn quây quần ăn trái cây, uống nước dừa. 
Bạn Thôn Nữ đang kể chuyện vui để chọc cười mọi người. 

Trong vườn nhà Dung 

Đoàn QGTM cùng ăn trưa tại nhà hàng do bạn Ngọc Dung mời. 

Anh Phan Công Bê (K4) từ Huế vào, anh cùng tham gia với đoàn đi Trà Vinh. 
Anh Bê đang kể lại những kỷ niệm về thầy Phan Hữu Tạt, anh còn đọc bài thơ về xứ Huế do anh sáng tác 
và gởi lời mời về thăm xứ Huế đến toàn thể đồng môn QGTM trong đoàn.

Anh Đoàn văn Du (K8) đang chia sẻ các cảm xúc của anh về chuyến đi Trà Vinh 
cùng các đồng môn QGTM trong đoàn.

Anh Chí Hùng (K18) đang khởi xướng để mọi người cùng hát 
bài hát yêu thích của thầy Phan Hữu Tạt - bài Cây đàn bỏ quên (Phạm Duy).

Đoàn chụp hình bên ao Bà Om. 
Là một thắng cảnh nổi tiếng của Trà Vinh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 
Xung quanh ao là gò cát cao rợp bóng cây cổ thụ sao, dầu, 
rất nhiều cây với phần rễ trồi lên mặt đất tạo thành những hình dạng độc đáo. 
Không khí quanh ao trong lành và mát mẻ. 
Ðến đây bạn sẽ được nghe những truyền thuyết ly kỳ và hấp dẫn về ao Bà Om.

Đoàn QGTM chụp hình trước chùa Hang. 
Chùa Hang có kiến trúc mang đậm nét văn hóa của dân tộc Khmer. 
Chùa còn có tên là Mồng Rầy (Kamponyixprdle), nhưng người dân ở đây quen gọi là chùa Hang 
vì kiến trúc cổng chùa giống cái Hang. Khuôn viên chùa rộng, một nửa diện tích là rừng tự nhiên, 
cây cao rậm rạp, là nơi hội tụ của nhiều loài chim. 
Cổng chính hướng ra phía bờ sông, cổng phụ xây dựng vòm cuốn, tường rất dày. 
Hai bên cổng chính là hai tượng Yak to bằng người thật. 
Yak là chằn tinh, mắt lồi, nanh dài, mặc áo giáp, cầm gậy, 
rất hung ác nhưng được Phật cải hóa, cho làm bảo vệ.

Bạn Ngọc Dung đang giới thiệu bức tranh thêu do bạn tự tay thực hiện.

Đoàn chụp hình tại tiền sảnh nhà máy Mỹ Lan, 
chỗ này cũng là một sân khấu mỗi cuối tuần để các nhân viên của nhà máy ca hát, vui chơi. 
Với sự sắp xếp từ trước của hai bạn Ngọc Dung và Xuân Mỹ (K19), 
hôm nay tuy là thứ Bẩy, nhà máy không làm việc, 
nhưng Ban Giám đốc vẫn bố trí các nhân viên đón tiếp đoàn QGTM thật chu đáo. 
Cụm nhà máy Mỹ Lan gồm 3 nhà máy, sản xuất các vật liệu dùng cho ngành in như: mực in, bản in offset…Nhà máy có công nghệ rất hiện đại, được điều hành bởi 
anh Nguyễn Thanh Mỹ - Tiến sĩ, Việt kiều Canada và 
là bạn học cùng khoa Hóa 75 Đại học Bách Khoa TP.HCM, 
với các bạn Diệu Hiền, Tuyết Mai, Thúy Phượng… (K19). 
Nhà máy ở Sài Gòn thì không thiếu, nhưng ở nhà máy Mỹ Lan này thì cả đoàn phải trầm trồ thán phục về một điểm chính: sự quan tâm chăm sóc dành cho nhân viên của Nhà máy. Cả một sân khấu lớn để nhân viên vui chơi, ca hát; khu vệ sinh sạch như lau; cây xanh trên những hành lang rộng và những patio rải rác khắp nơi cho thấy một phong cách kiến trúc thật vị nhân sinh. 

Đoàn đi tham quan dây chuyền sản xuất trong nhà máy Mỹ Lan.

Lúc 16h30 mọi người chia tay gia đình bạn Ngọc Dung với thật nhiều lưu luyến để lên xe trở về Sài Gòn.

 . Bác đến chơi đây, ta với ta ! .

Hẹn gặp lại vào dịp khác, bạn nhé !!

--
21-08-2012
Bài viết và hình ảnh: Ban tổ chức chuyến đi Trà Vinh