Chào mừng các bạn đến với - Góc Thương Mại - do các cựu thành viên trường Quốc Gia Thương Mại tại Việt Nam thực hiện

14 tháng 3, 2012

về thăm trường xưa QGTM




Khoa Thương Mại (tiền thân là Trường Quốc gia Thương mại) thuộc Đại học Chuyên nghiệp Trung cấp (thành lập năm 1972), nằm trong khuôn viên của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ - thường được gọi là Trường Kỹ Thuật Phú Thọ, sang năm 1972 đổi tên thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật rồi Trường Đại học Kỹ thuật vào năm 1974, sau năm 1975 trường được đổi tên là Đại học Bách Khoa TP.HCM, tọa lạc tại số 268 góc đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt, quận 10) và Tô Hiến Thành. Các khóa 1 ( học năm đầu), khóa 2 (học năm đầu) và các khóa từ khóa 7 đến khóa 19 học tại địa điểm này.

Trường Quốc gia Thương mại tại Sài Gòn còn có một địa chỉ nữa : Nha Kỹ Thuật Học Vụ (còn gọi là Nha Kỹ thuật và Mỹ thuật học vụ) ở số 2 đường Phạm Đăng Hưng (nay là số 2 đường Mai Thị Lựu, quận 1). Các khóa 1, khóa 2 (học 2 năm cuối) và các khóa từ khóa 3 đến khóa 6 học tại địa điểm này.


1. Hình ảnh Nha Kỹ Thuật Học Vụ


anh Phan Công Bê (K4) đứng trước cổng trường Quốc Gia Thương Mại trước kia
tại số 2 đường Phạm Đăng Hưng (nay là đường Mai Thị Lựu),
bây giờ là trường Cao đẳng dạy nghề Nguyễn Trường Tộ.

Nhìn từ bên ngoài :
Dãy phòng học và văn phòng trường Quốc gia Thương mại cũ
nay đang được phá đi và xây lại thành tòa nhà 3 tầng
... và nhìn từ phía bên trong sân trường

Trong sân trường:
Bên trái hình là dãy nhà trường Quốc Gia Bưu điện trước kia. Trường Quốc gia Bưu điện, trường Thương mại và trường Nữ công gia chánh nằm chung trong khuôn viên Nha Kỹ thuật học vụ. Đến năm 1959 trường Quốc gia Bưu điện dời về địa chỉ mới ở số 22 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Còn trường Thương mại (do thầy Phan Hữu Tạt làm Hiệu trưởng) và Nữ công gia chánh (do phu nhân của ngài giám thị trường Cao Thắng Nguyễn Văn Tập làm Hiệu trưởng) đến năm 1961 thì dời về khuôn viên trường Kỹ thuật Phú Thọ ở số 268 đường Lý Thường Kiệt.
anh Phan Công Bê đang đứng trên đường Phạm Đăng Hưng nhìn ra đường Phan Đình Phùng,
bên trái hình là Nha Kỹ thuật học vụ.

Nha Kỹ thuật học vụ với mặt quay ra đường Phan Đình Phùng.
từ cổng trường Quốc gia Thương mại nhìn qua sân sau của nhà thờ Phan-Xi-Cô

nhà thờ Phan-Xi-Cô tại góc đường Phạm Đăng Hưng và đường Phan Đình Phùng
Trên đường Phan Đình Phùng gần Nha Kỹ thuật học vụ có quán cơm sinh viên mà ngày trước các
Anh Chị sinh viên trường Quốc gia Thương mại thường ghé ăn cơm,. Nay quán cơm đã không còn,
thay vào đó là một cửa tiệm bán các mặt hàng về Viễn thông. Hàng cây xà cừ ngày xưa vẫn còn đó.



2. Hình ảnh trường Kỹ thuật Phú Thọ

Học viện Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ có một khuôn viên thật đẹp, cây xanh, thảm cỏ ở khắp nơi, rộng gần 15 héc ta, được quy hoạch hợp lý với các blocks nhà quay về hướng Nam. Trường được xây dựng từ năm 1955, đến năm 1963 trường được xây dựng lại theo thiết kế của kiến trúc sư Vũ Tòng. Hiện nay, kiến trúc và quy hoạch của Trường hầu như vẫn được giữ nguyên, chỉ có 3 blocks nhà được xây thêm ở phần đất trống phía sau (block C4, C5, C6) và blocks nhà Khoa Hàng hải cũ được đập bỏ và thay bằng tòa nhà 6 tầng. Từ cổng trường đi vào đường chính rẽ 2 nhánh: nhánh bên trái dẫn đến các Khoa Điện, Khoa Hàng hải, Khoa Công Chánh, Khoa Thương mại, Khoa Cơ khí, khu thể thao đa năng và các xưởng cơ khí. Nhánh đường bên phải là Thư viện và sân đá banh. (chúng tôi xin gọi là các Khoa theo ký ức trước năm 1975).

Từ cổng trường phía đường Lý Thường Kiệt đi vào, con đường chính rẽ thành 2 nhánh :
nhánh bên trái dẫn đến các khoa ĐIỆN, khoa HÀNG HẢI, khoa CÔNG CHÁNH,
khoa THƯƠNG MẠI, khoa CƠ KHÍ, sân thể thao đa dụng, Xưởng CƠ KHÍ.
Nhánh bên phải  : sân đá banh và ở phía xa là THƯ VIỆN 
Bản đồ quy hoạch trường Kỹ thuật Phú Thọ

cổng trường phía bên đường Tô Hiến Thành
khoa ĐIỆN được thấy trước tiên khi từ cổng phía đường Lý Thường Kiệt bước vào

khoa HÓA nằm mơ mộng sau hàng cây xanh, phía trước khoa là sân đá banh,
sân này từng là nơi tung hoành của anh Trần Vũ (Bách khoa Trung Cấp) -
cựu huấn luyện viên đội Quảng Nam Đà Nẵng -
khoa HÀNG HẢI hiện nay đã được đập bỏ để xây thành một block nhà 6 tầng
và dùng làm khoa KHOA HỌC ỨNG DỤNG
khoa CÔNG CHÁNH vẫn như xưa, giờ là khoa KỸ THUẬT XÂY DỰNG
Trong ảnh là bạn Trần Thị Thôn (K19) hiện là giảng viên của khoa.

khoa CƠ KHÍ

Xưởng thực tập Cơ Khí (Gò - Rèn - Hàn ) nhìn từ xa

phía trước khoa CƠ KHÍ là sân thể dục thể thao đa năng
không biết cô nàng chơi tennis Anh Thư ( K19 ) có nhớ sân này không?

khoa NỮ CÔNG GIA CHÁNH

Hội trường A4 xưa là NHÀ ĂN

3. Thăm lại Khoa Thương Mại ngày xưa
(Chủ nhật, ngày 04 tháng 03 năm 2012)

Bây giờ xin mời theo chúng tôi trở về khoa Thương Mại ngày xưa.
Đây là con đường dẫn vào trường, bên trái là sân bóng chuyền bây giờ là một thảm cỏ xanh rì, bên phải là mái trường Quốc Gia Thương Mại thân thương.

hai "cựu sinh viên" Nguyễn Thị Hiền và Trần Thị Thôn (đều của khóa 19)
trên đường về trường xưa

Trước khi vào thăm trường xưa xin mời ghé qua thăm nhà để xe phía sau trường, nay mái nhà tôn đã được dỡ đi, thay vào đó là hai hàng ghế đá, xa xa là quán "dì Năm", nơi mà các chàng trai đã từng "thề thốt" với dì Năm xin mua chịu những chai Coca-Cola để thết đãi bạn gái.

nhà để xe của các cựu sinh viên trường Quốc Gia Thương Mại

cây sứ già trước Văn phòng khoa Thương Mại

dãy Văn phòng khoa Thương Mại
cầu thang lên lớp ngày xưa
"chờ Thôn với, Hiền ơi!"
"... Xưa theo Ngọ về
Mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này
Cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi ..."
(Ngày xưa Hoàng Thị - Phạm Duy)

trước quán dì Năm
"ai còn ghi sổ ở quán chè bà Năm thì lo trả cho đủ à nhe.
Thiệt tình mà nói, quán chè phải là  đại bản doanh của chị em phái nữ mình,
nhưng mà các anh nam nhi chiếm lĩnh toàn bộ quán rồi,
không chừa chỗ nào cho chị em mình hết trơn !"
(Trần Thị Thôn - K19)

"con đường xưa em đi" trước quán dì Năm,
nay kê thêm dãy bàn cho các sinh viên ngồi học bài

Trụ sở của trường Đại học Chuyên nghiệp Trung cấp
" Các bạn khóa 19 ơi ! các bạn có nhớ buổi Lễ nhập học được tổ chức tại sân này,
các Anh Chị khóa 18 đeo huy hiệu Trường cho các đàn em khóa 19.
Rồi thì văn nghệ ca hát ì xèo thiệt là dzui.
Nhưng mà hồi đó nền nhà cao cả mét giống như một cái sân khấu chứ không thấp như bây giờ."

Hồi ở trong khuôn viên trường Kỹ thuật Phú Thọ, các bạn có để ý phía trước khoa Công chánh
có cái gì đây không? Đây là ngôi mộ của phu nhân ngài Quản đốc xưởng Cơ khí. Hai ông bà đều
là người Pháp. Bà mất năm 1957, do không có điều kiện đưa Bà về quê hương nên Bà được chôn cất tại đây.
Ngôi mộ được xây cất khá đặc biệt: hình vuông 4 góc quay đúng về 4 hướng, hướng Đông là phía
gốc cây to ở phía bên trái tấm hình. Đến mùa thi, các sinh viên thường đến thắp nhang mong bà
phù hộ cho thi cử có kết quả tốt.

tại tư gia của bạn Thôn sau khi thăm lại trường xưa
từ trái sang:
anh Phan Công Bê (K4) - Nguyễn Chí Hùng (K18) - Diệu Anh - Thôn và Hiền (đều K19)

Thời gian qua đi, các thay đổi về mọi thứ lắm khi làm chúng ta bối rối khi ngồi ngẫm lại. Tuy nhiên, có những thứ sau khi gạn đục khơi trong thì lắng đọng lại và lóng lánh như những viên ngọc quý. Để nâng niu, để quý trọng những viên ngọc ấy, nhóm thực hiện xin ghi lại đôi điều cùng các hình ảnh về mái trường xưa Quốc gia Thương mại và xin gửi đến các cựu sinh viên trường Quốc gia Thương mại như chút tình cảm tha thiết ân cần. 
Nhóm thực hiện cũng xin gởi lời cảm ơn trân trọng đến anh Phan Công Bê (K4) - trong thời gian lưu lại Sàigòn đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều về những thông tin của trường Thương mại khi tọa lạc ở Nha Kỹ thuật học vụ - số 2 Phạm Đăng Hưng và chúng tôi cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành đến bạn Trần Thị Thôn (K19) đã tạo điều kiện cho chúng tôi có những hình ảnh kỷ niệm về trường Thương mại năm xưa tại khuôn viên trường Kỹ thuật Phú Thọ.

-------
Tháng 03 - 2012
thực hiện: Phan Công Bê (K4) - Trần Thị Thôn (K19)
hình ảnh: Trần Hữu Bình (K18) - Trần Thị Thôn (K19)

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin chân thành cảm ơn anh Phan công Bê, em Trần hữu Bfnh, em Nguyễn Chí Hùng, em Nguyễn thị Hiền, và đặc biệt là em Trần thị Thôn đã làm nên bài Trường Quốc Gia Thương Mại - những chặng đường. Bài viết đã làm tôi và chắc là với bất cứ thành viên nào của gia đình QGTM nhiều bồi hồi cảm xúc.Một lần nữa xin cảm ơn tất cả. Hồ văn Dương K10.

Nặc danh nói...

Các bạn QGTM thân mến,

Xin cám ơn tất cả các bạn đã bỏ công thu thập tài liệu để viết bài "Về Thăm Trường Xưa QGTM" hẳn giúp các bạn đồng môn trên khắp thế giới có dịp nhớ lại ngôi trường thân yêu mà nội cái tên thôi cũng đủ sức gắn kết hơn 1.000 cựu sinh viên già trẻ 19 khoá, dù biết nhau hay không! Có khá nhiều chi tiết và hình ảnh mới, nhưng khi xem không khỏi bồi hồi "động não" ôn lại một thời đã qua đầy kỷ niệm đẹp...
Xin chúc tất cả bình an và sức khoẻ,
Thọ - Tân Định.
Vincent Tho vincent.tho@gmail.com