Chào mừng các bạn đến với - Góc Thương Mại - do các cựu thành viên trường Quốc Gia Thương Mại tại Việt Nam thực hiện

5 tháng 9, 2010

nị - ngộ

Hi ACE TM2,

Mỗi miền của đất nước VN đều có vài nét đặc thù liên quan đến văn hóa của thiểu số dân sống tại đó.
Hôm nay COL trích 1 thí dụ nhỏ ở xứ "Bò Léo"/Bạc Liêu. Đặc sản cũa Bò Léo : trong sông rạch gồm thật nhiều "cá chốt", trên đất liền thì đa số dân là Tiều-Châu, made in China 100 %.
Con gái lai Tiều-Việt xứ Bò-Léo thường có vẻ đẹp dể nhìn được dân "Duỵt-Nàm"/VN gọi là Miss "ĐẦU GÀ ĐÍT VỊT", nghe hơi lạ tai ?. Một điều thú vị nữa là cách gọi tên. Dù là trai gái, lớn nhỏ ...đều được gọi tên đôi (2 chữ) với chữ A đứng đầu và tên phía sau phải bỏ thêm dấu sắc.

Thí dụ : A-Múi ; Tào Chương nhà ta sẽ được gọi "A-Chướng" ; Miss Ngọc-MAi trở thành "A-Mái" ; tên của "ngộ" là COL trở nên "A-Kón" , bà xả của ngộ tức "NỊ-MIC" (made in China) ở nhà có 1 tên "mỹ miều" là "A-Nái", tuyệt đối không liên quan gì đến "heo nái" mặc dù có chữ NÁI rõ ràng. A-Chướng hiểu ít nhiều nghĩa cũa danh từ "tiều châu", nhớ làm chứng cho ngộ "lớ"(hé hay nhé theo tiếng "thòn quả" tức quảng đông vì ngộ lai Quảng). A-Pá và A-Má tức ba má vợ (ba má ruột A-Kón chết trước khi ngộ cưới A-Nái nên các bạn hiểu giùm 2 chữ A-Pá và A-Má trong bài nầy đều thuộc bên "dợ") lựa 1 tên "tiều" đẹp, có ý nghĩa đặt cho con gái chứ không phải Nị-Mic của ngộ "xấu háy"/khó nuôi mà phải đặt tên xấu như người VN.

"Nái" đồng nghĩa với LIÊN bên duỵt-nàm. Năm 1900 lâu lắm, trước khi rời Bò-Léo mang "thân phận người di-tản buồn" sang xứ "pạc quảy" (tiếng lóng quảng đông có nghĩa : "pạc" là bạch hay trắng còn "quảy" là quỷ, ám chỉ xứ cũa "quỷ trắng hay mẽo trắng").

Lúc còn ở "XÈ-Gòn"/hòn ngọc "diển tông", ngộ có "uy" với A-Nái cũa ngộ trong gia đình. Thí dụ 2 "dợ chồng có tối đa 10 điểm thì ngộ chiếm tới 8 điểm, A-Nái chỉ được 2 điểm thôi. Điển hình là khi ngộ khát nước cứ la to khơi khơi "hê, pỉ ngộ xà dẩm"...là ngộ có 1 ly trà nóng do A-Nái bưng đến tận chổ cho ngộ, khói "pai"/bay lên thơm lừng. Nếu chờ hơi lâu thì ngộ la tiếp : A....Nái....ngộ khô miệng gần "chét" mà sao nị mất tiêu, mau mau lên !!! Thế là A-Nái bỏ hết công việc chạy 3 chân 4 cẳng đến với ly trà trên tay và đôi mắt "e-dè sợ sệt".

"Chồng Chúa, vợ tôi", "dạy con từ thuở còn thơ, dạy "dợ" từ thuở ban sơ mới "dề"... Ô. Pà ngộ nói hay lắm, ngộ bắt chước, áp dụng nên lúc ở "XÈ GÒN" ngộ đạt được kết quả ngoài sức tưởng tượng. Sau 75 qua xứ "pạc quảy", A-Nái ra chiêu mới đối với ngộ, độc chiêu có tên "từng bước từng bước thầm" mà KIM-DUNG Sứ-Phụ cũng không biết và dù dùng cương hay nhu đều thua.

Tuyệt chiêu đó người "duỵt nàm" xứ Bò-Léo đặt cho tên "LUỘC ẾCH". Muốn luộc ếch chắc ăn thì bỏ ếch vô nồi lúc nước lạnh, ếch nhà ta tha hồ bơi lội nhởn nhơ. Từ từ vặn lửa rêu rêu nóng dần cho đến khi nước sôi thì chú thím ếch nhà ta vui vẻ từ -giả cỏi "vô thường" mà đi lần vào miệng dân nhậu, không chút trăn trở. Còn nếu quý bà nấu nước sôi trước rồi mới bỏ ếch vô nồi sau thì chú ếch sẽ nhảy vọt ra khỏi nồi trong tic-tac, nước sôi văng tung-tóe phỏng tay như chơi.

Năm 1978 A-Má/"dợ" về nước Chúa. A-Pá sống cu-ky, "puồn" quá "gỏ" điện tín qua USA "pảo" A-Nái và A Kón "xì-pong-xo" A-Pá và hết ACE "pên dợ" đem qua TX. "Pấy giờ" -1990- A-Kón thành ếch đã bị luộc chín từ khuya mà nào đâu có biết. Lịnh A-Nái bảo sao cứ làm vậy mà không được khiếu nại, không được ụ mặt châu mày.

Đêm đêm A-Kón nằm ngoài salon cu ky, thông cảm tình cảnh cũa A-Pá ở VN thui thủi một mình nên sáng hôm sau A-Kón dậy sớm chạy vắt giò lên cổ điền giấy tờ xin "pảo-lảnh" hết dòng họ "pên dợ" gồm gần xập dành đũ tên từ chữ A cho đến Z. (xập dành = 10 người)

Đừng hỏi ngộ tại sao không ngủ trong phòng mà ngủ ngoài salon. Ngộ "pán cái" câu trả lời cho A-Phước/Khật Ba-Tri. A-Phước lên tiếng "dùm" ngộ đi, ngộ sẽ đi xuống Houston đải nị 1 chầu "tiểm xấm" vì nị cùng học 1 "chường", 1 thầy, đọc 1 trang sách y-brơ-chang như ngộ", đừng mắc cở. "ÙM-CỐI, TỐ CHÈ" nị Paris-Match ! Thank you, merci nị hầm-bà-lằng xắn cấu !
Đến năm 1990, nguyên cả nhà "pên dợ" ngộ đoàn tụ ở TX, khỏi "Ô ĐI GHE" mà đi phi cơ từ Tân-sơn-Nhứt qua Đa-Lát/Dallas-TX.

Ở chung 1 mái nhà, A-Kón bây giờ "xuống cơ" như con mèo mắc mưa : sáng dậy sớm nấu cá-phé, châm trà, đi mua donuts...., trưa đi chợ, chiều hút bụi nhà trước khi đi làm "ca" hai từ 3PM đến 12 Noon mới lò mò về nhà, mệt "nhừ-văn-tử" mà cũng phải cười 1/3 miệng cho trọn đạo phu-(lê)thê. Ráng sức lắm cũng chỉ mĩm cười được 1/3 miệng thôi.

Một hôm sáng sớm, A-Nái chở hết "pà con pên dợ" đi mua quần áo mới, giày dép....để lại cho ngộ 1 "đại mạng lịnh" dài lê-thê gồm đủ 4 món ăn chơi, 9 món ăn no... như phải đi chợ mua món gị ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, ăn chơi lẩn ăn thiệt...clean up nhà cữa cho sạch, chùi lau bếp núc....trước khi đi làm.

A-Pá đọc "thư" đó trước, thương cho thân phận "xuống nước" của A Kón mới bày kế cứu nguy. A-Pá nói nhỏ với A-Kón đầy chân tình :
- Sao qua đây nị "xệ" quá, "nền ông" làm chồng gì mà A-Nái sai đâu làm đó, nị làm mất mặt luôn A-Pá. A-Nái dù gì cũng còn sợ A-Pá, nị cứ mượn danh A-Pá mà hành động, có A-Pá đứng sau lưng "hổ chợ"/hổ trợ cho nị.
- Thôi A-Pá, ngộ/A-Kón quen như vầy cả chục năm rổi. A-Pá thấy đó, nhà cữa yên vui.
"Pạn-pè" cũa ngộ như A-Phước...ai ai cũng "dậy", " hết chơn hết chọi" mấy "thằng" chồng "pên mẽo" có ai khiếu nại gì đâu. Nếu lập nghiệp-đoàn thì có hàng triệu người gia nhập mà có thằng mẽo, thằng tây, thằng chệt... nào dám hó hé. A-Kón đâu phải James Bond mà A-Pá xúi dạy, "piểu" A-Kón "mần diệc" phi thường.
- Ậy, nị nghe lời A-Pá một lần, chưa thử đã thua thì còn gì là nam-tử-"háng", đại-trượng-phu. Có A-Pá chống lưng nị mà. Trước tiên mổi ngày nị nấu cháo lòng ăn đũ 30 ngày. Nị chỉ được ăn gan heo, gan bò trong cháo cho gan nị to thêm 1 chút. Nị chạy đi mua 1 gallon Vodka "chẩu"/rượu nặng, tối đi làm về uống đầy 1 ly "xây chừng" hay nhiều hơn càng tốt. " Vodka Chẩu" và gan heo...làm cho nị can đảm hơn lên. Sau 30 ngày, mỗi tối khi nị đi làm "dìa", vô cửa nhà xe lại ngồi ghế trong bếp, ngộ ngồi kế bên nị để yểm trợ tinh thần và phản ứng nhanh lẹ để giải cứu nị khi cần. A-Pá đã có Kế-hoạch cẩn thận rồi. Ngồi xuống ghế xong nị gỏ tay mạnh trên "pàn", kêu A-Nái tắt TV, đi qua bếp nấu và pha trà cho nị. A-Pá tằng hắng để hổ trợ cho nị. Ngày mai bắt đầu nhé.

Tối hôm sau, khi bước vô bếp ngồi xuống ghế xong, A-Kón "húp" liên tiếp mấy ngụm Vodka cho lên tinh thần và làm theo y kế hoạch cũa A-Pá. Thú thật trong lòng ngộ cũng đánh lô-tô. May quá, A-Nái tắt TV, bước qua bếp pha trà cho ngộ. A-Pá nhìn ngộ, nheo mắt ra hiệu, ngầm nói mọi việc như ý. Ngộ thật mừng trong lòng.

Kế đó A-Pá dạy ngộ tiếp :
- Tối mai, A-Kón phải "lên lớp", rầy A-Nái là khi bưng trà cho A-pá và A-Kón thì miệng phải mĩm cười, mặt không được xụ xuống thấy ghét.
Tối hôm sau ngộ y theo kế hoạch phần B của A-Pá. Mọi việc êm xuôi như nước chảy qua cầu.

A-Pá nói nhỏ vào tai A-Kón :
- Nị cứ "xung phong" lên, lấy lại "hùng tính" trước kia tức lúc ở Bò-Léo và Xè-Gòn. Tối mai nị cứng rắn ra lịnh A-Nái phải sẳn sàng bưng trà nóng lên cho nị trong vòng 1 phút, không thể lâu hơn. A-Nái đã chịu khuất phục nị rồi đó.

Tối hôm sau mọi việc xảy ra đúng ý. A-Kón tắm rữa xong lên giường ngũ mà trong lòng thơ thới hân hoan, "công đã thành, danh đã toại, phỉ chí nam nhi", ngộ thầm cám ơn A-Pá giúp đở ngộ mấy đêm qua !

Sáng hôm sau A-Pá "piểu" ngộ tối nay thi hành 1 giai đoạn chót, rất dể, xong 100 %, ca khúc khải hoàn :
- A-Kón nhớ ra lịnh A-Nái tối nay phải có ly trà nóng cho A-Kón trong 30 giây khi nị đi làm về, không được trể dù là 1 giây.

Khuya hôm đó, y lời dặn, về đến nhà, A-Kón mở cữa nhà bếp bước vô, định lại ngồi nơi bàn ăn cạnh A-Pá. Lòng A-Kón vui tươi, miêng huýt sáo bản nhạc "Cầu sông Kwai" và. .xoẹt, mau hơn thời gian ấn định 30 giây, 1 ly nước trà nóng từ tay A-Nái bay vèo ngay trán A-Kón. Nhờ lúc nhỏ đánh tennis cặp mắt A-Kón nhanh nhẹn, bộ chân ngộ vội bỏ ngón "lăng ba vi bộ" cũa KIM DUNG, người A-Kón "rùng " xuống theo thế "Từ-Hải chết đứng", ly trà bay vèo qua đỉnh đầu A-Kón chạm cánh cữa bể tan.

Nước trà văng tung tóe ướt đầu A-Kón. Ngộ nhìn sang A-Pá ngồi yên gần đấy ngầm kêu cứu SOS...MAY DAY MAY DAY... ( tức SOS cũa Không Quân). A-Pá đứng dậy, lửng thửng bỏ đi vô phòng riêng, không nói hộ 1 lời. A-Kón đi thật nhanh và thật nhẹ, đuổi theo A-Pá để tránh "bảo KATRINA" đang xảy ra trong bếp, thật ngắn ngủi, thật bất ngờ ngoài dự tính cũa A-Kón.

Trong phòng riêng, đủ an toàn, A-Kón hoàn hồn hỏi nhỏ A-Pá:
- Sao trong lúc "dầu sôi lữa bõng" như lúc nảy mà A-Pá, đồng minh duy nhứt đáng tin cậy nhứt cũa A-Kón, nở lòng nào A-Pá ngoảnh măt làm ngơ ....?
A-Pá ôn tồn giải thích rất hửu-lý :
- Lúc A-Nái quăng ly trà nóng về phía nị, miệng nó nghiến răng, đôi mắt nó xẹt lữa, tóc tai nó dựng đứng lên..., A-Pá trông nó giống y A-Má "dợ" cũa nị lúc "dận"/giận ngộ nên ngộ cũng phải "chẩu"/chạy cho lẹ chớ kẻo họa lây. Mà thôi A-Kón à, qua đây nị nên nhập gia tùy tục, một câu nhịn, chín câu lành. "Pạc quảy" cũng dạy nị FORGET & FORGIVE... Phật-Giáo "piểu" nị "NHẨN+ HÒA", nhịn "con dợ"," xợ con dợ" ở "chong"/trong nhà không có ai cười nị đâu. Thôi nị đi về phòng A-Nái xin lổi nó cho yên. Hồi đó A-Pá cũng năn-nỉ A-Má dợ cũa nị hoài "có sao đâu" (mượn chữ nghĩa cũa A-SOT Tân Định).

Từ đó về sau, nói theo văn chương bình dân thì đừng bao giờ "SỜ BỜM SƯ-TỮ CÁI" dù ở xứ nào, dù thời gian nào...không có ngoại lệ, đúng như luật TƯƠNG ĐỐI cũa ALBERT EINSTEIN.
Đây là một gương tốt, sống động, có thực để cho hết thảy "cậu nam TM2 " học hỏi hầu sống còn trên thế gian nhiều sóng gió nầy.

Kính Chào ACE TM2.
Chúc Tết vui, trẻ, khỏe...

A-KÓN tự COL.

tô cháo huyết

Xe cháo huyết của bà xẩm đó nằm trên vỉa hè phía đối diện với rạp hát Casino Đakao, gần trụ đèn xanh đèn đỏ. Thành ra khi đi về hướng Gia Định, gặp đèn đỏ, ngừng xe lại là thấy nó ngay ở bên tay mặt. Hồi mới “giải phóng”, còn chút đỉnh tiền, chiều đi làm về tôi hay tấp vô đó “làm” một tô cháo huyết có kèm theo một dĩa giò-cháo-quẩy cắt khoanh. Không biết có phải tại vì buổi trưa ăn không đủ no thành ra chiều nghe đói sớm hay sao, mà lúc nào tôi cũng thấy cháo huyết của bà xẩm đó thật là ngon !

Cháo nấu nhừ, huyết cắt vuông thành từng miếng vừa vặn nhỏ để được nằm gọn trong lòng cái muỗng nhôm. Múc một muỗng vừa có cháo vừa có huyết đưa lên môi thổi cho bớt nóng trước khi cho vào miệng, mà nghe thơm phức làm chảy nước miếng. Còn giò-cháo-quẩy cho vào cháo, dù đã được cắt khoanh, nhưng vẫn giử nguyên cái giòn của nó. Cái “béo” của giò-cháo-quẩy làm cho cái “bùi” của cháo càng thêm đậm đà, và cái “giòn” của giò-cháo-quẩy thì thật “ăn rơ” với cái mềm mềm cứng cứng của huyết. Lâu lâu, nhai nhằm một sợi gừng làm nồng lên trong miệng, ngon không chê được ! Bà xẩm gọi tôi bằng “thầy Hai”.

Sau “giải phóng”, từ ngữ cũng đã được đổi thay – cho nó hạp với... tác phong cách mạng – không còn gọi “ông A, bà B” gì nữa. Không còn xưng hô “thầy X, cô Y” gì nữa. Mọi giai tầng xã hội đều được xóa bỏ, mọi chênh lệch tuổi tác hầu như được san bằng. Trong... “xã giao thường thức”, để gọi nhau, người ta chỉ còn dùng có hai từ “anh” và “chị”, vừa ngắn gọn lại vừa... bình đẳng nữa ! Thành ra thấy được sử dụng rất thoải mái và... xả láng !

Một hôm, một thằng bé cỡ tuổi cháu tôi đã gọi tôi bằng “anh”... ngon lành ! Có lẽ trong lòng nó cũng khoái được trịch thượng như vậy. Bởi vì nó biết “thằng chả không làm gì mình được” ! Đổi đời... sướng ở chỗ đó !.

Vậy mà bà xẩm vẫn gọi tôi bằng “thầy Hai”, thản nhiên không ngượng nghịu gì hết ! Có lẽ tại thói quen. Cũng như tôi vẫn gọi bả bằng “thím xẩm” chớ không là... “chị xẩm” với tiếng “chị” rất... thời trang từ ngữ !

Mặc dù bây giờ người ta hay nghi ngờ, dè dặt, bà xẩm, đối với tôi, vẫn nói chuyện một cách thật tình cởi mở:
- Tôi nhớ hồi trước thím đâu có cái xe cháo huyết này.
- Thầy Hai nói đúng đó. Hồi trước là cái tiệm. Nó nằm sau lưng tôi nè. Hồi đó buôn bán khá lắm, thầy Hai à. Tiệm có bốn năm cái bàn lận.
- Tôi biết mà. Hồi đó, lâu lâu tôi có chở vợ con lại đây ăn. Tôi ở bên Gia Định, gần xịt hè.
- Ủa ! Mà hồi đó thầy làm việc ở đâu vậy ?
- Tôi làm trong ngân hàng ở Chợ Cũ. Lái xe đi về trên đường này nên mới biết tiệm của thím đó chớ.
- Giải phóng rồi thầy cũng còn làm việc ở sở cũ hả
- Đâu có ! Mấy ổng đổi tôi xuống làm việc ở nhà máy ve chai Khánh Hội.
- Cha... Xa quá há ! Đạp xe chắc mệt hả thầy Hai ? Bây giờ ai cũng đi xe đạp hết trọi.
- Rồi cũng quen hà. Ủa ? Mà tại sao thím dẹp tiệm đi ?
- Thời buổi khó khăn mà thầy Hai. Giữ chi cái tiệm cho họ để ý. Làm ăn nhỏ nhỏ thôi. Như thiên hạ vậy mà.
- Rồi mấy đứa con thím đâu ? Tôi nhớ hồi đó trong tiệm có mấy đứa...
- Đi hết rồi. Đi trước giải phóng.
- Sao thím không đi ?
- Thầy Hai nghĩ coi. Tôi già rồi. Không biết tiếng, không biết chữ. Đi đâu ? Còn mồ mả chồng tôi, mồ mả ông già bà già ở đây mà đi đâu ? Còn thầy ? Sao thầy không đi ?
- Tôi kẹt !

Lâu lâu ăn cháo huyết của bà xẩm được một thời gian thì Nhà Nước đổi tiền. Tôi... trở tay không kịp. Vậy là kẹt cứng. Có khi cả tháng không dư được một đồng. Lấy gì ăn cháo huyết ?

Để tránh... thấy hàng cháo huyết, mới đầu tôi thay đổi lộ trình. Tôi đi ngả cầu sắt, vòng qua chợ Bà Chiểu, xa hơn, hôi hơn ( vì đi ngang chợ cá ) mệt hơn. Được mấy tuần, tôi bỗng nảy ra một sáng kiến ( Nhà Nước đã chẳng dạy: “Ta phải luôn luôn phát huy sáng kiến” à ? ). Đó là vẫn đạp xe theo lộ trình cũ. Nhưng khi đến cách đèn xanh đèn đỏ độ vài chục thước, tôi rà thắng, mắt nhìn đèn tuốt ở đằng xa. Nếu là đèn đỏ, tôi bóp thắng ngừng ngay, đợi. Nếu là đèn xanh, tôi cắm đầu phóng nhanh đi thẳng. Thật là... thích thú. Tôi phục... tôi quá chừng !

Chiều hôm đó, đi làm về, mặc dù bụng đói meo, tôi vẫn áp dụng sáng kiến “canh đèn để vọt” kể trên. Nhưng không hiểu sao đèn đang xanh bỗng bật đỏ ngang không qua đèn vàng, khi tôi chỉ còn cách nó có vài thước. Nếu tôi... nhắm mắt chạy luôn, chắc cũng không sao. Đằng này, “bản năng” của một người công dân tốt trong tôi... bóp thắng. Xe đạp lết bánh một khúc rồi ngừng ngay trước xe cháo huyết ! Tôi chống chân chờ, mắt nhìn đèn đăm đăm.

Bỗng tôi nghe tiếng bà xẩm, giọng niềm nở :
- Thầy Hai ! Thầy Hai à ! Trời ơi sao đâu mất biệt vậy ? Vô ăn cháo đi !Tôi làm bộ giật mình rồi nhìn về phía bả, mỉm cười cho... lấy có:
- Thím mạnh hả ?
Giọng của bà xẩm trở nên ân cần:
- Vô ăn cháo đi thầy Hai. Lâu quá mà...
- Tôi không có tiền ! (Tôi đã nói như vậy – dám nói như vậy – một cách thẳng thừng và không chút ngượng nghịu !).
- Không có sao ! Vô ăn đi ! Chừng nào trả cũng được. Mình quen mà... Thầy Hai !

Tôi lại nhìn đèn đỏ. Sao nó không xanh cho rồi, để tôi có cớ mà hối hả đạp đi, tránh được cái mùi thơm hấp dẫn của cháo huyết và tránh được lời mời rất thân tình của bà xẩm. Đèn vẫn đỏ ! Như... cố tình đỏ lâu để tôi có thời gian “đấu tranh tư tưởng”: một bên là “cái đói”, kéo thêm “cái thèm”, còn một bên là “cái xấu hổ” của một người chưa quen ăn chịu.

Tiếng bà xẩm vang lên:
- Thầy Hai đừng ngại mà... Vô ăn đi rồi mai mốt trả.

Lần này, “cái đói” cộng thêm “cái thèm” đã thắng. Tôi nuốt nước miếng, bước xuống xe đạp thì đèn bật xanh. Nhưng trễ rồi. Thằng người hạ cấp trong tôi không còn đếm xỉa gì đến đèn xanh đèn đỏ. Nó chỉ còn thấy có tô cháo huyết ! Nó dẫn xe đạp lên lề khóa xe cẩn thận rồi nó bước lại ngồi lên ghế đẩu trước mặt bà xẩm. Nó còn mỉm cười chào bả một cách rất tự nhiên, không có vẻ gì của một người sắp sửa ăn chịu.

Bà xẩm hỏi:
- Sao lâu quá không thấy thầy Hai vậy ?

Nó nói dóc một cách ... gọn ơ :
- Tôi mắc về dưới tỉnh.
- Bà con ở dưới cũng mạnh hết hả ?
- Dạ, mạnh.

Bà xẩm múc cháo, rắc tiêu, rồi đẩy tô cháo đến trước mặt nó:
- Thầy Hai cứ ăn đi. Chừng nào có tiền trả cũng được, đừng lo !

Nó nuốt nước miếng, cầm muỗng múc cháo lên đổ cháo xuống cho mau nguội mà mặt mày hớn hở. Rối nó nhắm mắt, hít từng hơi dài mùi thơm mời mọc, coi giống như một thằng ghiền…

Giọng bà xẩm ôn tồn:
- Thời buổi bây giờ, đâu phải ai cũng còn tiền đâu thầy Hai. Hồi trước, làm ăn dễ, có đồng ra đồng vô. Bây giờ, càng ngày càng khó khăn, ai cũng chăm bẵm hết.

Ngừng một chút rồi tiếp:
- Chỗ quen biết, tôi nói thiệt. Thầy Hai cứ tới ăn tự nhiên, đừng ngại. Chừng nào thầy Hai trả cũng được hết. Mình với nhau mà... Phải thông cảm với nhau chớ ! Thầy Hai hiểu tôi không ?

Đến đây, bỗng thằng người hạ cấp trong tôi biến đâu mất ! Để lại tôi ngượng nghịu cúi đầu nhìn tô cháo, chỉ nói lí-nhí được có mấy tiếng “Cám ơn thím. Dạ...”, rồi nín thinh.

Tô cháo trước mắt tôi bỗng như to hơn, đầy hơn, đậm đà hơn... Tôi thấy nó như vậy, và chỉ phải như vậy nó mới tương xứng với lòng tốt của bà xẩm. Và lần này, tôi có cảm tưởng như tôi ăn tô cháo đó chẳng bao giờ cho hết ! Tôi cúi đầu húp được vài muỗng thì bà xẩm đẩy tới một dĩa giò-cháo-quẩy.

Tôi vội xua tay:
- Không ! Không ! Tôi không ăn giò-cháo-quẩy đâu thím !
- Không phải đâu. Đây là tôi cho thầy Hai mà ! Không tính tiền !

Tôi ngước lên nhìn bà xẩm, dò xét.

Bả nhìn tôi, hiền hòa, gật đầu nhè nhẹ như để nói “Thiệt mà ! Ăn đi !”.

Miếng cháo tôi đang nuốt bỗng nghe như bị nghẹn ngang ở cổ họng, làm tôi ứa nước mắt... Tôi không dám nhìn bà xẩm nữa. Tôi nhìn tôi đang cúi đầu húp từng muỗng cháo, trịnh trọng như trong đời tôi lần đầu tiên tôi được ăn món này, món cháo huyết đậm tình người của bà xẩm Đakao...

Tiẻu Tử