Chào mừng các bạn đến với - Góc Thương Mại - do các cựu thành viên trường Quốc Gia Thương Mại tại Việt Nam thực hiện

27 tháng 6, 2010

Người mang muỗng đi khắp thế gian

Với "hành trang" một cặp muỗng và vài chiếc đàn môi bé xíu, Trần Quang Hải đã đi khắp thế gian!
Nhạc sĩ Kiều Tấn - người nổi tiếng với công trình nghiên cứu về cây đàn guitar phím lõm - kể rằng, cách đây nhiều năm khi anh còn đang học âm nhạc ở Đức, anh và nhạc sĩ Trần Quang Hải đi đến một quán phở. Trần Quang Hải bảo: "Cậu có muốn ăn phở không tốn tiền không?", nhạc sĩ Kiều Tấn bán tín bán nghi. Trần Quang Hải bảo: "Yên tâm, chờ đi rồi sẽ rõ". Sau khi ăn xong, thay vì đứng lên trả tiền, Trần Quang Hải nghịch ngợm lấy trong túi ra một cặp muỗng và gõ liên tục trên tay, chân, miệng… Bất ngờ đầy thú vị từ những âm thanh phát ra như một bản nhạc vui tai, còn động tác thì uyển chuyển khôn lường với sự lắt léo tinh quái của những ngón tay kẹp muỗng… khách trong quán xúm lại xem, còn ông chủ quán thì ngưỡng mộ thích thú ra mặt. Ông chủ quán tuyên bố "tuyệt đối không tính tiền người này, khi nào rảnh cứ ghé ăn, miễn phí!".

Lấy được cuộc hẹn trước từ lúc còn ở Việt Nam, khi đến Paris tôi đã được vợ chồng nghệ sĩ Trần Quang Hải đến đón tại quán phở người Việt Indochina. Ca sĩ Bạch Yến một thời lẫy lừng với bài hát Đêm đông và những bản nhạc ngoại quốc sôi động giờ đằm thắm trong tay người chồng có biệt tài "gõ muỗng".

Vợ chồng nghệ sĩ đưa tôi tham quan một vòng Paris, lên tàu xuôi theo sông Sein và dừng chân ở vườn Luxemburg. Giữa không gian tràn ngập cỏ hoa, thơ mộng và khoáng đạt, ông đã trình diễn màn nghệ thuật độc nhất vô nhị, khiến rất nhiều người hiếu kỳ tụ lại thưởng thức, đó là đàn… muỗng và đàn môi ! Giữa thanh thiên bạch nhật, Trần Quang Hải như một gã du ca lãng tử.

Đầu tiên, ông lấy từ trong túi xách ra những nhạc cụ nho nhỏ trông rất ngộ nghĩnh, trong số này có rất nhiều loại đàn môi thuần túy Việt Nam, và của nhiều dân tộc khác nữa. Những chiếc đàn môi chỉ bé bằng một ngón tay nhưng phát ra âm thanh ngân vang nhờ động tác một tay giữ và sự lắc nhịp điêu luyện của bàn tay còn lại. Thú vị khi trong số đàn môi ấy có một chiếc làm bằng … thẻ ATM! Nghệ sĩ Bạch Yến lo phụ tá chồng mình việc tìm kiếm nhạc cụ, tôi quay phim và phỏng vấn, còn nhạc sĩ Trần Quang Hải thì mải mê trình diễn, người kéo tới mỗi lúc một đông. Đang diễn ngon lành thì mấy cảnh sát tới đề nghị phải đi chỗ khác, vì phía xa kia nhìn từ vườn hoa Luxemburg là một tòa nhà của chính phủ, không được quay phim và làm kinh động.

Mọi người dắt díu đồ đạc lỉnh kỉnh dời đến một khu vực khác trong công viên. Trong khi cùng với vợ là Bạch Yến thực hiện phần trình diễn hát đồng song thanh thì lại một cảnh sát khác tới. Thật không ngờ, người cảnh sát lớn tuổi đến… bắt tay Trần Quang Hải, tự nhận mình là người Pháp gốc Việt và đem lòng ngưỡng mộ ông lâu rồi. Xin cứ tự nhiên quay phim chụp hình và biểu diễn!

Và phần hấp dẫn nhất là đàn muỗng cũng đã đến. Rút trong túi quần ra 2 chiếc muỗng, Trần Quang Hải tung hứng như bị thôi miên. Lia lịa những ngón tay lắc theo nhịp, rải hai chiếc muỗng chạy từ vai xuống bàn tay, rồi từ đầu gối xuống bàn chân, có lúc ông kẹp hai chiếc muỗng vào những ngón tay vỗ lấy vỗ để lên miệng để tạo ra âm sắc khác. Người trong công viên vỗ tay tán thưởng, Trần Quang Hải như được tiếp thêm sức, xoay mông qua bên trái, bên phải, hai chiếc muỗng chạm vào nhau và chạy liên hồi trên khắp nơi trên cơ thể ông… Một bài nhạc từ đàn muỗng hoàn tất trong sự trầm trồ ngạc nhiên của mọi người.

Với vài chiếc đàn môi và hai chiếc muỗng này, nhạc sĩ Trần Quang Hải nói, ông đã đi khắp thế gian mà ít bao giờ bị… tốn tiền ăn uống! Đến đâu cũng được người hâm mộ mến yêu nên ông thường được khoản đãi rất hậu…

Với nghệ thuật hát đồng song thanh mà ông là người tiên phong khai phá, và nghệ thuật biểu diễn đàn môi, đàn muỗng…, nhạc sĩ Trần Quang Hải đã thực hiện trên 3.000 buổi nói chuyện tại 65 nước. Ông tham gia 130 đại hội, liên hoan âm nhạc quốc tế, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học và sáng tác hơn 400 bản nhạc… Con đường âm nhạc của ông luôn hướng đến sự giao thoa các thể loại nhạc cổ truyền và góp phần làm cho thế giới ngày càng gần lại.


Nhạc sĩ Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại Gia Định - Sài Gòn. Ông lớn lên trong một gia đình 5 đời theo ngành nhạc, chuyên nghiên cứu về nhã nhạc cung đình và âm nhạc bác học nói chung: Ông cố là Trần Quang Diệm nổi tiếng về đàn tỳ bà ở Mỹ Tho, ông nội là Bảy Triều chế tác ra dây đờn Tố Lan trong cải lương, cha là giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, chú ruột là quái kiệt Trần Văn Trạch. Ông đã dày công theo đuổi mảng âm nhạc dân tộc và có nhiều công trình nghiên cứu được quốc tế thừa nhận, đặc biệt là ở 3 lĩnh vực: Hát đồng song thanh, đàn môi và đàn muỗng.

Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa vĩ cầm tại Sài Gòn, từ năm 1961 Trần Quang Hải đã sang Pháp học tiếp ngành nhạc tại trường đại học danh tiếng Sorborn (trường cha ông đã học). Năm 1968, ông bắt đầu làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), ở đây ông làm chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân tộc thuộc Viện bảo tàng Con người. 40 năm qua, ông đã gắn bó với nơi đây như một phần máu thịt.



Bùi Thanh Tuấn

3 tháng 6, 2010

Kỳ cuối: Lịch sử World Cup (từ 1990 đến 1986)

(Dân trí) - Brazil trở lại đỉnh của thế giới sau 24 năm chờ đợi bằng một lối đá có phần hơi thực dụng và phản cảm. Maradona và Zidane, hai “số 10” huyền thoại của lối đá tấn công đẹp mắt chia tay World Cup cuối cùng của sự nghiệp một cách đáng quên.

World Cup Italia 1990: “Hoàng đế” Beckenbauer đi vào huyền thoại
Không còn sung mãn giống như Mexico 86, nhưng Maradona và các đồng đội vẫn lọt vào đến trận chung kết một cách đầy may mắn. Trên chặng đường đến trận đấu cuối cùng, Argentina đã 2 lần có được chiến thắng nhờ loạt sút luân lưu đầy may rủi ở tứ kết và bán kết. Trận chung kết Italia 90 vẫn là cuộc tái ngộ giữa hai đội bóng đầy duyên nợ giữa Argentina và ĐT Đức của HLV Beckenbauer. Và món nợ mà “cỗ xe tăng” đã vay 4 năm trước đã được thanh toán một cách sòng phẳng bằng bàn thắng duy nhất được thực hiện trên chấm 11m của Andreas Brehme. “Hoàng đế” Franz Beckenbauer đi vào lịch sử bóng đá thế giới khi là người đầu tiên giành được chức vô địch World Cup trên hai cương vị cầu thủ và HLV, còn “cậu bé vàng” chia tay mùa hè Italia trong nước mắt.


Niềm vui của Selecao và sự thẫn thờ của R. Baggio sau cú sút 11m định mệnh

World Cup USA 1994: Sự trở lại của Brazil
Trước khi kết thúc vòng bảng, những người hâm mộ ĐT Argentina như bị sét đánh ngang tai và hầu hết đều sụp đổ khi nhận được tin trong máu Maradona có chất kích thích và “cậu bé vàng” đã bị loại khỏi giải đấu cũng như cấm thi đấu quốc tế vĩnh viễn. Một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của bóng đá thế giới đã chia tay World Cup cuối cùng như thế đó. Tuy nhiên Maradona là vậy, những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất và cả sự xấu xa, tồi tệ nhất cùng tồn tại trên “số 10” vĩ đại này. Chỉ trước đó vài ngày, trong trận thắng Hy Lạp 4-1, sau pha phối hợp đập nhả một chạm nhanh như điện xẹt trước vòng cấm địa, Maradona tung ra cú dứt điểm điệu nghệ đưa bóng găm thẳng vào góc xa trong sự vỡ òa của cả SVĐ, tất cả như muốn phát điên vì anh, và đó là bàn thắng cuối cùng của Diego Maradona ở World Cup. Tại USA 1994 không chỉ chứng kiến bi kịch của Maradona, mà còn chứng kiến thêm thăng trầm của một “số 10” nữa, đó là Roberto Baggio. Nhạc trưởng của Italia đã có một kỳ WC chói sáng khi dẫn dắt Italia vào đến trận đấu cuối cùng bằng một lối chơi đầy kỹ thuật và ngẫu hứng để tái hiện lại cặp đấu kinh điển Italia và Brazil. Khi người Ý chơi bóng lãng mạn thì các vũ công Samba lại trở nên thực dụng hơn, với một lối chơi chắc chắn hơn trên con đường tiến vào trận chung kết. Hai đội hòa nhau 0-0 sau 120 phút thi đấu và bước vào loạt sút luân lưu may rủi. Lượt sút cuối cùng, Baggio bước lên và bất hạnh đã đến với anh sau quả đá penalty định mệnh đó. Cú sút đưa bóng bay lên trời, “đuôi ngựa thần thánh” biếu không chức vô địch cho Brazil, còn Roberto Baggio trở thành tội đồ của Azzurri. Selecao lên ngôi sau 24 năm chờ đợi, thất bại của thế hệ Zico đã giúp cho thế hệ của những Romario hay Dunga, Bebeto trở nên thực dụng hơn, và họ đã thành công với chiếp cúp thứ 4 trong lịch sử.


ĐT Pháp lần đầu tiên giành chức vô địch thế giới

World Cup Pháp 1998: Zidane rực sáng, Pháp lần đầu tiên lên ngôi
Vòng chung kết World Cup 98 là lần đầu tiên giải đấu được mở rộng lên thành 32 đội và chia thành 8 bảng đá vòng tròn một lượt để chọn ra 16 đội vào đá loại trực tiếp. Giải đấu chứng kiến sự xuất sắc của Zidane và Ronaldo, hai cầu thủ xuất sắc nhất giải và đều đã dẫn dắt Pháp và Brazil vào đến trận đấu cuối cùng. Đáng tiếc ở trận đấu cuối cùng “người ngoài hành tình” lại thi đấu sa sút lạ thường, và chỉ có nhạc trưởng của Pháp là vẫn tiếp tục bừng sáng. Zinedine Zidane với những pha xử lý bóng điêu luyện cùng khả năng đọc trận đấu hoàn hảo đã giúp đội chủ nhà vượt lên nhờ cú đúp đẹp mắt của mình, rồi sau đó Petit ấn định chiến thắng 3 sao tưng bừng. Đúng 20 năm sau Argentina 78, một đội bóng chủ nhà mới có thể bước lên ngôi vô địch thế giới, và cũng như Albiceleste, đây là lần đầu tiên bước lên đỉnh thế giới của những chú gà trống Gaulois.

World Cup Nhật Bản & Hàn Quốc 2002: Giải đấu của những bất ngờ
Lần đầu tiên giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức tại châu Á, giải đầu tiên của thế kỷ XXI, và có lẽ đây là giải đấu chứa đựng nhiều bất ngờ nhất, trừ đội bước lên ngôi vô địch. Bất ngờ đầu tiên đến từ những chú gà trống Gaulois, ĐT Pháp trở thành đội ĐKVĐ có thành tích tệ nhất trong lịch sử với 2 trận thua, 1 trận hòa, không bàn thắng và xếp cuối bảng. Cú “shock” thứ hai mang tên Hàn Quốc khi đội bóng xứ sở kim chi trở thành đội châu Á đầu tiên lọt vào “đệ tứ anh hào” sau khi vượt qua hàng loạt đội bóng lớn như Bồ Đào Nha, Italia hay Tây Ban Nha. Ngoài ra còn phải kể đến Senegal, Thổ Nhĩ Kỳ những đội bóng đã tạo nên sự mới lạ cho giải đấu này.


Pele chúc mừng “hậu bối” xuất sắc của mình Ronaldo

Điều bất ngờ cuối cùng xen lẫn một chút thán phục dành cho Ronaldo, cầu thủ đã có 3 năm chấn thương liên miên trước khi World Cup 2002 diễn ra, và hầu hết đều nghi ngờ vào sự tỏa sáng của Ro “béo”. Tuy nhiên, Ronaldo đã chứng tỏ tại sao anh lại có cái biệt danh “người ngoài hành tinh” khi kết hợp với Rivaldo và Ronaldinho thành bộ 3R hủy diệt của Brazil năm 2002, ngoài ra Ronaldo còn giành luôn danh hiệu vua phá lưới với 8 bàn thắng. Tốc độ, kỹ năng xử lý bóng bậc thầy, đặc biệt là những pha dứt điểm hiểm hóc đã làm nên một Ronaldo bùng nổ tại Nhật Bản & Hàn Quốc. “Cỗ xe tăng” Đức cũng lầm lũi tiến vào trận đấu cuối cùng nhờ sự xuất sắc của Ballack, Klose và đặc biệt là đội trưởng Oliver Kahn. Tuy nhiên sự xuất sắc của thủ thành ĐT Đức cũng không thể ngăn cản được “số 9” của Brazil, khi trong trận chung kết Ronaldo tiếp tục tỏa sáng bằng và ghi cả 2 bàn thắng trong chiến thắng 2-0 của Brazil đồng thời đưa Selecao lần thứ 5 lên ngôi vô địch thế giới.

World Cup Đức 2006: Nghi án bán độ Calciopoli lần 2, và Italia lại lên ngôi
Cả Italia xôn xao vì nghi án bán độ Calciopoli liên quan đến những gã khổng lồ như Juventus, AC Milan và một số đội bóng nữa, chắc chắn sẽ không ít trụ cột của Azzurri dính chàm. Đáng ngạc nhiên, sau vụ bê bối đáng xấu hổ này cả đất nước hình lục lăng lại kỳ vọng rất lớn vào cơ hội lên ngôi của đội bóng thiên thanh, giống như Italia, Paolo Rossi của năm 1982. Bằng lối chơi thực dụng đặc trưng với những Materrazzi, Cannavaro cùng một chút lãng mạn từ nhạc trưởng Andrea Pirlo, Italia lầm lũi tiến vào chung kết và có lẽ đó là định mệnh.


Italia lại lên ngôi sau khi dính vào vụ bê bối bán độ

World Cup 2006 là nơi diễn ra những trận đấu cuối cùng của huyền thoại Zidane, và huyền thoại người Pháp như một ngọn nến, bùng sáng rực rỡ trước khi lụi tắt. Dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Zidane, ĐT Pháp vượt qua hàng loạt cái tên sừng sỏ như ĐKVĐ Brazil, Tây Ban Nha để tiến đến trận đấu cuối cùng và những người yêu bóng đá đẹp đã mơ về một cái kết đẹp cho một huyền thoại vĩ đại. Và giấc mơ đó tưởng chừng như đã đến rất gần, Zidane mở tỉ số từ rất sớm bằng một pha đá 11m điệu nghệ. Tuy nhiên tất cả những gì ĐT Pháp và Zizou làm được dừng lại ở đó, “số 10” đã không thể nào dùng tài năng của mình để chiến thắng định mệnh. Materrazzi san bằng tỉ số bàng pha đánh đầu dũng mãnh, cũng chính Matrix dùng những lời lẽ khiêu khích đối với Zidane, và sau đó là một cú “thiết đầu công” và chiếc thẻ đỏ trực tiếp, người nhạc trưởng vĩ đại đã chia tay bóng đá bằng một hình ảnh không ai muốn thấy. Mất đi đầu tàu, cuối cùng ĐT Pháp đã chịu thất bại trước Italia sau những loạt sút luân lưu. Azzurri lên ngôi sau 24 năm, chiếc cúp vàng thứ 4.

Ngọc Trung

2 tháng 6, 2010

Kỳ 2: Lịch sử World Cup (từ 1966 đến 1986)

(Dân trí) - Brazil đoạt Cup Jules Rimes vĩnh viễn, Hà Lan với lối chơi bóng đá tổng lực trứ danh hai lần lỡ hẹn với đỉnh cao của thế giới, còn “cậu bé vàng” Maradona cho thấy chiều cao tính từ “bàn tay” lên trời khi biến cả một kỳ World Cup thành của riêng mình.


World Cup Anh 1966: Bóng đá trở về cội nguồn

Bắc Triều Tiên gây chấn động khi vượt qua Italia với tỉ số 1-0, kết thúc một trong những kỳ WC tồi tệ nhất của Azzurri đồng thời trở thành đội bóng châu Á đầu tiên lọt vào vòng tứ kết. Triều Tiên còn suýt chút nữa gây tiếp một cơn địa chấn lớn khi vượt lên dẫn Bồ Đào Nha 3-0 ở trận tứ kết, tuy nhiên “Brazil châu Âu” sở hữu một trong những tiền đạo xuất sắc nhất mọi thời đại và là vua phá lưới World Cup 1966 Eusebio. Tiền đạo gốc Mozambique đã kịp thời tỏa sáng khi ghi đến 4 bàn thắng giúp cho BĐN lội ngược dòng thắng 5-3.
Đất nước khai sinh ra bóng đá lần đầu tiên lên ngôi

Đến vòng bán kết thì Bồ Đào Nha đã phải chịu thúc thủ 1-2 trước chủ nhà Anh, “báo đen” Eusebio không được công nhận đến 4 bàn thằng vì lỗi việt vị và chỉ ghi được 1 bàn trên chấm phạt đến. Đội tuyển Anh tiếp tục vượt qua Tây Đức trong trận chung kết để lần duy nhất cho đến nay lên ngôi vô địch thế giới. Tiền đạo Geoff Hurst của “tam sư” đã đi vào lịch sử khi là cầu thủ duy nhất lập một hattrick trong trận chung kết, trong đó bàn thắng nâng tỉ số lên 3-2 là một trong những bàn thắng gây tranh cãi nhất lịch sử. Người xuất sắc nhất World Cup 66 và góp công lớn vào chiếc cúp vô địch của “tam sư” là huyền thoại của Old Trafford, Bobby Charlton.

World Cup Mexico 1970: “Nữ thần vàng” vĩnh viễn thuộc về người Brazil
Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1970 được đánh giá là kỳ World Cup hay nhất từ trước đến nay với rất nhiều trận đấu đã đi vào lịch sử. Trận chung kết chứng kiến sự đụng độ của hai nền bóng đá mạnh nhất thế giới, hai hệ thống tư tưởng bóng đá đối lập nhau hoàn toàn. Brazil là biểu tượng cho lối chơi tấn công đầy ngẫu hứng với “thế hệ vàng” Pele, Jairzinho, Gerson, Carlos Alberto. Trong khi đó Italia đại diện cho lối chơi khoa học, thực dụng với bức tường phòng ngự huyền thoại Catenacico mà hạt nhân là huyền thoại Giacinto Facchetti.
Mexico 70 là của những người yêu bóng đá đẹp và lối chơi tấn công quyến rũ của Pele và Brazil. Selecao bước lên đỉnh vinh quang lần thứ 3 và vĩnh viễn đoạt cup “nữ thần chiến thắng” sau khi “vùi dập” Italia trong trận chung kết. Pele mở tỉ số của trận đấu còn đội trưởng Carlos Alberto ấn định tỉ số 4-1 bằng một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử thế kỉ. Một cái kết ngọt ngào cho lần tham dự World Cup cuối cùng “vua bóng đá” Pele, giải đấu này cũng đánh dấu sự xuất hiện của “kẻ dội bom vĩ đại” Gerd Muller vua phá lưới Mexico 70, người giành ngôi vua phá lưới với 10 bàn thắng.

Sau World Cup 1970, Pele đã thực sự trở thành ông vua của bóng đá

World Cup Tây Đức 1974: Sau “vua” là “hoàng đế”
Mexico đã chứng kiến cặp đấu kinh điển Brazil và Italia trong trận chung kết thì ở Tây Đức 4 năm sau đó cũng có một cuộc đụng độ “kinh thiên động địa” trong trận đấu cuối cùng. Trận chiến giữa bóng đá tổng lực trứ danh của Hà Lan và lối chơi khoa học Đức, cuộc đối đầu của “thánh” Johan Cruyff và “hoàng đế” Beckenbauer.
Khác với Mexico 70, World Cup 1974 chứng kiến sự lên ngôi của bóng đá thực dụng, của tinh thần Đức và của “hoàng đế” Beckenbauer, người được xem là đã khai sinh ra vị trí libero trong bóng đá. Mặc dù để cho Hà Lan mở tỉ số từ rất sớm nhờ công của Johan Neeskens nhưng Paul Breitner, Gerd Muller đã kịp thời nổ súng đem chiếc cúp vô địch thế giới về cho “cỗ xe tăng” Đức.

World Cup 1978: Argentina lần đầu bước lên đỉnh thế giới
Ảnh hưởng của việc thiếu vắng linh hồn Johan Cruyff, “thế hệ vàng” của bóng đá Hà Lan một lần nữa lỡ hẹn với chiếc cúp vô địch khi bị Argentina vượt qua trong trận chung kết với tỉ số 3-1. Mario Kempes đã có một kỳ World Cup rực sáng, “El Matador” chính là cầu thủ xuất sắc nhất, đồng thời là vua phá lưới (6 bàn), quả không sai nếu nói rằng chính “El Matador” đã đưa Argentina lên bản đồ bóng đá thế giới.

World Cup Tây Ban Nha 1982: Scandal bán độ, Paolo Rossi, Italia và chức vô địch thế giới

Paolo Rossi và Italia lên ngồi trong sự ngỡ ngàng của tất cả

Italia vừa trải qua những năm tháng đen tối nhất lịch sử khi scandal bán độ bị phanh phui, Paolo Rossi vừa trở lại sau 2 năm bị treo giò vì bán độ. Có lẽ sẽ không ai nghĩ đến chuyện Rossi sẽ là vua phá lưới còn Azzurri sẽ vô địch thế giới trước khi giải đấu diễn ra. Sau vòng bảng, câu chuyện đó nếu nói ra chẳng khác gì một câu nói đùa, Italia “lết” qua vòng bảng một cách may mắn với 3 trận hòa, còn tiền đạo Paolo Rossi thậm chí còn chưa ghi được dù chỉ một bàn. Có lẽ cuộc chơi sẽ kết thúc ở lượt vòng bảng thứ 2, khi Italia nằm cùng bảng với ĐKVĐ Argentina với sẽ xuất hiện của “cậu bé vàng” Maradona và của Zico.
Argentina nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi khi thua cả hai lượt trận, Brazil và Italia bước vào trận đấu sống còn cho suất duy nhất vào bán kết. Paolo Rossi bắt đầu nổ súng, không phải 1 bàn mà là một hattrick, Italia và Rossi vượt qua Brazil với tỉ số 3-2. Lọt vào bán kết, vẫn là người hùng Rossi với cú đúp nhẹ nhàng đưa Italia vượt qua Ba Lan. Trong trận đấu cuối cùng, Paolo Rossi đóng góp bàn mở tỉ số trong chiến thắng 3-1 của Azzurri trước Tây Đức tại Bernabeu. Italia lên ngôi vô địch sau 44 năm chờ đợi, còn người hùng Paolo Rossi giành cú đúp danh hiệu vua phá lưới và cầu thủ xuất sắc nhất chỉ trong 3 trận đấu cuối cùng.

World Cup Mexico 1986: Và chúa đã sinh ra Maradona
Mexico 1970 là giải đấu tôn vinh “thế hệ vàng” Brazil, khi các vũ công Samba lên ngôi vô địch thế giới một cách tuyệt đối bằng lối chơi quyến rũ bậc nhất thế giới với đầu tàu là vua bóng đá “Pele”. Đúng 16 năm sau, vẫn tại Mexico nhưng chức vô địch thuộc về những vũ công Tango hay nói đúng hơn là World Cup của riêng Maradona. Chỉ cao 1m66 nhưng “cậu bé vàng” đã buộc cả thế giới phải ngước nhìn bằng những kỹ năng xử lý bóng bậc thầy và sự khôn ngoan, lọc lõi của một cậu bé sinh ra ở khu “ổ chuột” Villa Fiorito, Buenos Aires.
Tất cả tài năng, sự khôn ngoan và mọi cung bậc cảm xúc đều được Maradona thể hiện ở trận tứ kết gặp ĐT Anh, trận đấu đã đi vào lịch sử chỉ vì có “số 10” của Argentina ở đó. Phút 51 của trận đấu, “thiên thần” Maradona xuất hiện và dắt bóng trong khoảng 60m, lừa qua 6 cầu thủ đối phương rồi nhẹ nhàng đưa bóng vào lưới, một kiệt tác hay đơn giản là bàn thắng đẹp nhất thế kỉ XX.

Mexico 70 là của Pele và các đồng đội còn Mexico86 là của riêng Maradona

Nhưng cũng chỉ 4 phút sau đó, “ác quỷ” Maradona cũng có mặt, sau pha bật tường bị đập chân hậu vệ ĐT Anh, thủ thành Peter Shilton (1m85) và Maradona (1m66) cùng nhảy lên tranh bóng, trong một tích tắc không phải ai cũng nhìn thấy, bóng từ từ lăn vào lưới. Người chiến thắng là “số 10” của Albicelestes nhờ “bàn tay của chúa và cái đầu của Maradona”.
Vượt qua “tam sư”, Argentina tiếp tục hạ gục “quỷ đỏ” Bỉ một cách dễ dàng nhờ 2 bàn thắng đẹp mắt của Maradona để hiên ngang bước vào trận chung kết với đội tuyển Đức của HLV Beckenbauer. World Cup 86 là của Maradona, mặc dù phải đối mặt với “cỗ xe tăng” Đức gồm 9 “hậu vệ” và tiền đạo Rummenigge, nhưng “cậu bé vàng” và các đồng đội vẫn có được chiến thắng 3-2. Albicelestes lần thứ 2 bước lên đỉnh thế giới chỉ trong vòng 8 năm, còn Maradona đã đi vào lịch sử cùng Mexico 86.

Ngọc Trung

văn chương khó thật !

Để giữ trật tự trong hạt, ông quan nọ ra yết thị nói: "Ai đi đêm phải cầm đèn."
Đêm hôm sau, quan đi tuần, vấp phải một người.
Quan quở:
- Thằng kia đi đâu? Không xem yết thị à?
Người ấy đáp:
- Bẩm có xem ạ!
- Thế sao đi đêm không cầm đèn?
- Bẩm có, đèn tôi đây.
- Thế sao đèn không có nến?
- Bẩm yết thị chỉ nói cầm đèn, chứ không nói trong đèn phải có nến ạ!

Sáng hôm sau, quan bổ sung tờ yết thị trước: "Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải có nến."
Đêm hôm ấy, quan đi tuần, lại vấp phải một người.
Quan giận lắm, quở:
- Đi đêm, sao không có đèn, có nến?
Người kia đáp:
- Bẩm, tôi có đủ đèn, đủ nến, đấy ạ!
- Sao không thắp lên?
- Bẩm, trong yết thị không nói thắp nến ạ!

Quan thấy nói có lý, sáng hôm sau viết một tờ yết thị khác thật đầy đủ:
"Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải có nến, nến phải thắp sáng."
Tưởng không còn ai bắt bẻ vào đâu được nữa!
Thế mà một hôm, nửa đêm, quan đi tuần, lại vấp phải một người có đèn, có nến, nhưng nến thắp hết rồi.
Quan lại quở.
Người kia đáp:
- Bẩm, trong yết thị không nói thắp hết cây nến này, phải tiếp cây khác ạ!

Quan ngẫm nghĩ một lúc rồi nhủ thầm trong bụng:
"Văn chương khó thật! Mình viết một cái yết thị, sửa đi sửa lại ba bốn lần mà vẫn không gẫy gọn. Người khác xem vẫn hiểu lầm!"

1 tháng 6, 2010

Kỳ 1: Lịch sử World Cup (từ 1930 đến 1962)

(Dân trí) - Gần 80 năm, qua 18 lần tổ chức với biết bao nhiêu khoảnh khắc đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới, giờ đây khi World Cup 2010 tại Nam Phi sắp đến gần cũng là lúc để xem lại những nốt thăng trầm của giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới.

Ý tưởng tập hợp những đội tuyển quốc gia mạnh nhất trong một giải đấu tranh chức vô địch thế giới bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ trước, do một nhóm các nhà quản lý bóng đá người Pháp khởi xướng, đứng đầu là Jules Rimet.


Uruguay trở thành đội đầu tiên vô địch World Cup

Ở giai đoạn này bóng đá thế giới đã có những bước phát triển rất nhanh về mọi mặt, từ quy mô đến chất lượng trong khi đó ở Thế vận hội chỉ cho phép các cầu thủ nghiệp dư tham gia nên không thể nào đáp ứng được nhu cầu. Do đó Đại hội FIFA năm 1928 tại Amsterdam đã thông qua việc tiến hành Giải vô địch bóng đá thế giới đều đặn 4 năm một lần (chỉ gián đoạn vào năm 1942 và 1946 do ảnh hưởng của thế chiến 2).
Tên gọi chính thức của Giải vô địch bóng đá thế giới đã có vài lần thay đổi: Đầu tiên nó được gọi là "Cúp thế giới" (World Cup, Coupe du monde) sau đó là "Cup Jules Rimet" (tên của cựu chủ tịch FIFA), rồi đến "Giải vô địch bóng đá thế giới - Cup Jules Rimet" và sau cùng là "Giải vô địch bóng đá thế giới".

World Cup Uruguay 1930: cho lần đầu tiên
Giải đấu đầu tiên năm 1930 được tổ chức tại Uruguay cũng là kỳ WC duy nhất được tổ chức tại một thành phố duy nhất (thủ đô Montevideo) với sự tham gia của 13 đội tuyển. Và chiếc cúp vàng mang tên "Jules Rimet" đã lọt vào tay đội bóng chủ nhà sau khi họ đánh bại người láng giềng với tỉ số 4-2 trong trận chung kết. Đội trưởng Nassazzi của Urugoay trở thành người đầu tiên nâng cao chiếc cúp Nữ thần chiến thắng trước mặt gần 80.000 CĐV có mặt trên sân Estadio Centenario.
Ngoài ra tuyển thủ người Pháp Lucient Laurent đưa tên mình vào lịch sử là cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại Giải vô địch bóng đá thế giới, khi ghi bàn mở tỉ số ở phút 19 trong chiến thắng 4-1 trước Mexico của đội nhà. Còn chân sút người Argentina Guillermo Stabile trở thành vua phá lưới đầu tiên tại WC với 8 bàn thắng, mặc dù trước khi giải đấu diễn ra tiền đạo có biệt danh “El Filtrador” chỉ là sự lựa chọn thứ 2 trên hàng công.

World Cup Italia 1934 và Pháp 1938: Sự thống trị của người Ý
Năm 1934, Italia trở thành đất nước thứ 2 tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới. Giải bóng đá thế giới lần này được tổ chức một cách quy mô hơn rất nhiều khi có đến 8 thành phố tham gia đăng cai. Đáng tiếc nhất là sự vắng mặt của Uruguay, đội ĐKVĐ đã từ chối đến châu Âu để trả đũa 4 năm trước Italia đã không tham dự giải đấu ở Montevideo, đó cũng là lần duy nhất một đội ĐKVĐ thế giới không tham dự kỳ WC tiếp theo.
Không có sự tham dự của ĐKVĐ , trong khi Á quân Argentina yếu đi trông thấy khi mất đi một số trụ cột vào chính tay người Ý. Đội tuyển Đức, Tiệp Khắc và hiện tượng Áo đã có một kỳ WC rất thành công. Tuy nhiên cũng giống như kỳ WC đầu tiên, đội chủ nhà lại lên ngôi vô địch. Trận chung kết tại Roma diễn ra khá kịch tính và hấp dẫn khi Puch đưa Tiệp Khắc vươn lên dẫn trước. Tuy nhiên Orsi đã kịp thời gỡ hòa ở những phút cuối trận và sau đó Schiavino ghi bàn thắng giúp Italia lội ngược dòng thắng 2-1 trong những phút thi đấu hiệp phụ. Các Azzurri lần đầu tiên bước lên đỉnh thế giới.
Trước khi thế chiến hai nổ ra, Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 3 đã được tổ chức tại Pháp năm 1938. “Viên kim cương đen” Leonidas với khả năng làm xiếc với trái bóng (cầu thủ phát minh ra kiểu dứt điểm “xe đạp chổng ngược” trứ danh) đã có một giải đầu cực kỳ ấn tượng khi dẫn dắt Brazil giành chiến thắng trong tất cả những trận đấu tiền đạo này có mặt, và kết thúc giải đấu với 7 bàn thắng cùng danh hiệu vua phá lưới.
Trận đấu duy nhất mà Leonidas vắng mặt là trận bán kết với ĐKVĐ Italia khi HLV Ademar Pimenta quyết định “cất” tiền đạo chủ lực cho trận chung kết, và cuối cùng đội bóng đến từ Nam Mỹ đã phải trả giá khi chịu thất bại với tỉ số 1-2. Vượt qua đối thủ đáng ngại nhất ở bán kết, Azzurri đã không mấy khó khăn để hạ gục Hungary ở chung kết với tỉ số 4-2 với sự tỏa sáng của huyền thoại thành Milan Giuseppe Meazza. Những người Italia trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch thế giới, thành tích mà chỉ duy nhất lặp lại được vào các năm 1958 và 1962.

World Cup 1942 và 1946: gián đoạn do ảnh hưởng thế chiến thứ 2
World Cup Brazil 1950: Brazil gục ngã trước cửa thiên đường
Sau 12 năm bị gián đoạn bởi chiến tranh thế giới thứ 2, Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 4 đã được tổ chức tại Brazil vào năm 1950. Với lợi thế chủ nhà, cùng một đội hình mạnh, các vũ công Samba được kỳ vọng sẽ lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch và họ đã tiến thẳng đến trận chung kết một cách rất thuyết phục bằng những trận thắng giòn giã.
Selecao đã khởi đầu rất thuận lợi trong trận đấu cuối cùng của giải đấu khi vượt lên dẫn trước nhờ bàn thắng của Friaca. Tuy nhiên, Schiaffino và Gigghia đã kịp thời tỏa sáng giúp cho Uruguay thực hiện cú lội ngược dòng ngoạn mục ngay tại thánh địa Maraccana để dành chiến thắng chung cuộc 2-1, qua đó một lần nữa nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới.

World Cup Thụy Sĩ 1954: “Cỗ xe tăng” Đức lần đầu lên ngôi
Giải đấu diễn ra ở Thụy Sĩ thực sự là một bữa tiệc bàn thắng cho các CĐV khi đã có đến 140 bàn thắng được ghi trong vòng 24 trận. “Đội bóng vàng” Hungary cũng thể hiện một sức mạnh tuyệt đối khi ghi đến 25 bàn, trong đó tiền đạo Sandor Kocsis với 11 lần sút tung lưới đối phương đã giành danh hiệu Vua phá lưới. Tính đến trước trận CK, Ferenc Puskas và các đồng đội đã trải qua 33 trận bất bại liên tiếp bằng một lối chơi tấn công hủy diệt (trong đó có trận thắng vang dội 6-3 trước ĐT Anh ngay tại Wembley).
Gặp lại đội tuyển Đức trong trận chung kết, đội bóng đã từng bị Hungary vùi dập đến 8-3 ở vòng bảng, cơ hội lên ngôi của “những người Magyar ma thuật” là rất lớn. Tuy nhiên cũng như Brazil 4 năm trước, Puskas và các đồng đội đã phải gục ngã trước sự lì lợm “cỗ xe tăng” Đức trong trận chung kết với tỉ số 2-3 mặc dù đã vượt lên dẫn 2-0 chỉ sau 8 phút thi đấu.

World Cup Thụy Điển 1958: Brazil lên ngôi và vị vua đã xuất hiện
Tiền đạo của ĐT Pháp Just Fontaine lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi ghi đến 13 bàn thắng tại một giải vô địch bóng đá thế giới, kỳ tích mà cho đến bây giờ vẫn chưa có bất cứ chân sút cự phách nào có thể lặp lại. Tuy nhiên, đây là giải đấu của Brazil, cùng sự xuất hiện của hai tài năng kiệt xuất của bóng đá thế giới là Garrincha và Pele.
Những tài năng đầy hứa hẹn như Garrincha, Pele hay những ngôi sao như Vava, Zagallo đã tạo nên sức mạnh hủy diệt cho các vũ công Samba tiến thẳng đến ngôi vô địch thế giới lần đầu tiên. Trong trận chung kết, Selecao đã hạ gục đội chủ nhà Thụy Điển với tỉ số 5-2, trong đó “vua bóng đá” Pele lập một cú đúp.

World Cup Chile 1962: Các vũ công Samba trên đỉnh thế giới
World Cup 1962 bị hoen ố bởi những trận cầu bạo lực, “vua bóng đá” Pele trở thành người ngoài cuộc chỉ sau 2 trận đấu khi dính chấn thương trong trận đấu giữa Brazil và Tiệp Khắc. Tuy nhiên đỉnh điểm của bạo lực sân cỏ là trận đấu võ trên sân Santiago giữa Italia và chủ nhà Chile, một vết nhơ trong lịch sử bóng đá thế giới.


Brazil trở thành đội thứ hai sau Italia bảo vệ thành công chức vô địch
Không có Pele, nhưng Brazil vẫn còn có “phù thủy” Garrincha với những pha đi bóng đầy ma thuật. WC 62 chính là những năm tháng đỉnh cao nhất của Garrincha, huyền thoại của Botafogo đã dẫn dắt Selecao vào đến trận đấu cuối cùng bằng phong độ cực kỳ chói sáng và đóng góp đến 4 bàn thắng cho Brazil. Trong trận chung kết dù không thể ghi được bàn thắng nào nhưng Garrincha đã kiến tạo 2 đường chuyền đẹp mắt cho các đồng đội ghi bàn. Selecao vượt qua Tiệp Khắc với tỉ số 3-1 trong trận chung kết qua đó bảo vệ thành công chức vô địch thế giới.

Ngọc Trung